(Baonghean) - Mỗi năm, Nghệ An sử dụng khoảng trên dưới 300 tấn thuốc BVTV, kéo theo lượng rác thải BVTV tương đương từ 15 - 20 tấn. Thế nhưng, hàng năm lượng rác thải BVTV được thu gom, xử lý an toàn chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Nhiễm độc do thuốc bảo vệ thực vật
Trên đồng ruộng, chúng ta dễ bắt gặp nhiều bà con nông dân khi phun các loại thuốc BVTV thường không sử dụng đồ bảo hộ. Điều đó làm cho thuốc BVTV ngấm dần vào cơ thể, lâu dần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Bà Nguyễn Thị Lan ở xóm 19, xã Diễn Thành (Diễn Châu), một trong những trường hợp từng bị ngộ độc cấp tính thuốc BVTV khi đang phun thuốc trừ sâu cho cây trồng, chia sẻ: “Nhà tôi trồng lạc, từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch ít nhất cũng 6 - 7 lần phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu bệnh... Lần đó, tôi mang tới 6 bình thuốc để phun cho 6 sào lạc. Vừa thả bình phun ra khỏi lưng, đột nhiên đôi vai mỏi nhừ, chân tay bủn rủn, đầu đau dữ dội, kèm theo buồn nôn, co giật... Đoán bị ngộ độc thuốc trừ sâu, tôi gắng bước về nhà, nhờ người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu. May được chữa trị kịp thời không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng từ đó đến nay, thỉnh thoảng chân tay co giật, tê mỏi...”.
Ở xã Nam Thành (Yên Thành) hầu như ai cũng biết ông Tạ Quang Biên ở xóm Trần Phú với nghề “phun thuốc” cho những ai thuê mướn. 63 tuổi, với 6 năm liền sống với nghề này, ông Biên thú thực là kinh tế khó khăn nên vẫn phải làm dù biết nghề này suốt ngày tiếp xúc với thuốc BVTV, rất độc hại. Ông cho biết: “Bà con mua thuốc trừ sâu về, tôi tự tay pha thuốc theo yêu cầu của chủ ruộng. Sau khi phun hết 1 sào lúa, tôi được trả công 30.000 - 40.000 đồng. Có những ngày tôi lội quanh 2 mẫu ruộng, thu về 700.000 - 800.000 đồng”.
Theo ông Biên, để “sống được với nghề”, vấn đề quan trọng nhất là phòng hộ tốt, không để thuốc tiếp xúc với cơ thể; phải lựa chiều gió để phun thuốc; khi súc bình cũng phải biết cách, nếu không, thuốc trừ sâu thấm vào tay, chân, lâu ngày sẽ phát bệnh. Có kinh nghiệm như vậy, nhưng đến nay, sau 2 năm “giải nghệ”, thi thoảng ông thấy bị nhức mỏi cổ tay, chân. Ông Biên phỏng đoán, đó có lẽ do nhiễm thuốc BVTV trong những lần đi phun.
Lạm dụng và tùy tiện
Thời tiết thất thường, cùng với dịch bệnh diễn biến khá phức tạp nên số lượng và chủng loại thuốc BVTV cũng tăng lên. Thị trường lại luôn tồn tại một số thuốc BVTV kém chất lượng, khi phun không mang lại hiệu quả nên nông dân phải phun đi, phun lại nhiều lần. Điều đáng lo ngại, tình trạng sử dụng thuốc BVTV tùy tiện, không đúng loại thuốc, không theo khuyến cáo của cơ quan chức năng làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người.
Theo ông Phan Văn Hải - Phó Chi cục Trồng trọt - BVTV, kết quả điều tra và đánh giá hiện trạng cho thấy, việc lạm dụng thuốc BVTV tại nhiều địa phương là điều đáng quan tâm nhất. Ví như, vụ lúa hè thu vừa qua, mặc dù cơ quan chuyên môn đã tích cực khuyến cáo, nhưng nhiều gia đình vẫn phun 4 - 5 lần/lứa sâu cuốn lá, trong khi theo quy định chỉ cần phun 1 lần.
Sự lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp để lại nhiều hậu quả, như: Tồn dư thuốc BVTV trên cây trồng, gây ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, việc xử lý rác BVTV trên đồng ruộng gặp khó khăn. Với tâm lý muốn phòng ngừa dịch hại, diệt sâu nhanh, hiệu quả, nên không ít nông dân tự ý tăng liều lượng, sử dụng thuốc ngoài danh mục. Nhiều vùng sản xuất, lượng thuốc BVTV được sử dụng gấp 2 - 3 lần so với bình thường, với liều lượng, độc tính cao (vượt mức khuyến cáo).
Việc sử dụng thuốc BVTV của bà con nông dân còn nhiều bất cập, do trình độ hiểu biết về các loại thuốc còn hạn chế. Ý thức, trách nhiệm người sử dụng thuốc đối với bản thân và cộng đồng chưa cao, chưa thấy được trách nhiệm của mình đối với chất lượng sản phẩm do mình làm ra. Họ chỉ quan tâm đến năng suất, mà chưa quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe của mình và người tiêu dùng, không đảm bảo thời gian cách ly khi phun thuốc BVTV.
Ông H, một hộ dân chuyên trồng rau ở xã X. chia sẻ: “Có thời điểm mật độ sâu ăn dày, cứ 4 - 5 ngày phải phun 1 lần, nếu không sẽ không có thu hoạch”. Cũng như ông H, nhiều gia đình khác thường mua thuốc BVTV và làm theo hướng dẫn của đại lý, hòa 2 - 3 loại thuốc để phun, điều này sai quy trình được ngành chức năng khuyến cáo. Hiểm họa của thuốc BVTV đối với sức khỏe con người là điều đã được cảnh báo. Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt, nhiều hộ đã “tặc lưỡi” tăng liều lượng thuốc BVTV trong sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa đến sức khỏe của bản thân và người tiêu dùng.
Xả rác độc hại trên đồng ruộng
Nghệ An có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 304.000 ha, trong đó, đất sản xuất lúa hơn 114.000 ha, đất chuyên sản xuất rau màu hơn 6.000 ha và 7.000 ha cây quả có múi. Do được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới... nên năng suất các loại cây trồng tăng dần. Tuy nhiên, những năm gần đây, trước áp lực về sâu bệnh đe dọa cũng như tăng vụ sản xuất, quay vòng trên đơn vị diện tích, nông dân đã tăng cường phun thuốc BVTV cho cây trồng.
Dọc theo những tuyến đường nội đồng của các địa phương còn rất nhiều bao bì đựng thuốc BVTV nằm rải rác trên bờ ruộng hoặc trôi nổi trên mặt nước. Nhiều nông dân loay hoay pha thuốc BVTV, sau đó vứt bao bì xuống mé ruộng rồi “vô tư” đi phun thuốc. Hầu hết người phun thuốc BVTV thường súc rửa dụng cụ phun thuốc ngay tại ruộng hoặc kênh mương thủy lợi. Tồn dư của thuốc BVTV ngấm vào đất, nước ngầm, cứ thế tích lũy ngày một nhiều...
Theo khảo sát của Chi cục Trồng trọt - BVTV, lượng thuốc còn dính lại bao bì sau khi đã sử dụng chiếm từ 8 - 10%. Dựa vào diện tích cây trồng hàng năm phải phun thuốc trừ sâu, mỗi năm toàn tỉnh sử dụng khoảng trên dưới 300 tấn thuốc BVTV. Như vậy, hàng năm bà con nông dân để lại một lượng thuốc BVTV trên bao bì sau khi sử dụng ít nhất 20 tấn thuốc. |
Nhóm P.V