Cháy nổ gia tăng dịp cuối năm

Những tháng cuối năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại đáng kể. Điển hình như ngày 25/11 xảy ra vụ cháy nổ tại kho chứa hàng thuộc Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng, số 132 đường Ngô Thì Nhậm, phường Trung Đô, thành phố Vinh. Khi ngọn lửa bốc cao mới được người dân gần đó phát hiện, trình báo lực lượng cảnh sát PCCC. Địa điểm cháy là một kho chứa các loại hàng hóa như gạch, nhựa, sơn… được xây dựng trên tường gạch hiện đã cũ có khả năng sụp đổ cao, phía trên khung thép mái tôn đã bị biến dạng, cong vênh.

Trong kho chứa nhiều dung môi và sơn, nhựa, các chất dễ bắt cháy với tốc độ cháy lan nhanh, ngọn lửa bùng phát dữ dội tỏa ra nhiều khói, khí độc. Hơn nữa, trong quá trình bốc cháy có thể phát nổ, gây nguy hiểm cho lực lượng chữa cháy. Sau khoảng 30 phút tiếp cận, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH vừa chữa cháy vừa khẩn trương chống cháy lan, kịp thời ngăn bén cháy sang các kho chứa khối lượng lớn gạch, nhựa ở sát cạnh bên thì đám cháy mới được khống chế.

bna_image_8056446_8122020.jpgLực lượng chữa cháy tại kho chứa hàng số 132, đường Ngô Thì Nhậm. Ảnh: Chu Minh

Cách đó không lâu, khoảng 7h30 ngày 18/11 tại tầng 7, khách sạn Vinh Plaza, đường Mai Hắc Đế, phường Lê Lợi xảy ra cháy. Lực lượng chữa cháy đã huy động lực lượng kịp thời dập tắt ngọn lửa đang chực lan sang các phòng khác.  Trước đó, vào đêm 9/10/2020 tại Cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, 4 tàu cá cũng bị thiêu rụi...

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN tỉnh, thời điểm cuối năm, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra nhiều vụ cháy, nổ ở các cơ sở kinh doanh và nhà ở của người dân. Trong năm 2020, tính đến tháng 11, toàn tỉnh xảy ra 69 vụ cháy, nổ thì có tới 59 vụ cháy các cơ sở kinh doanh và nhà dân, gây thiệt hại gần 8 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong tháng 11/2020 đã xảy ra 9 vụ cháy, làm thiệt hại hơn 300 triệu đồng, tăng 6 vụ so với tháng 10.

Đi tìm nguyên nhân?

Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh - Phó trưởng Phòng cảnh sát PCCC&CHCN Công an tỉnh cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra các vụ cháy, nổ, đặc biệt là những tháng cuối năm. Trong đó nguyên nhân khách quan do tình hình phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa nhanh nên ngày càng có nhiều nhà cao tầng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp đi vào hoạt động…kéo theo nguy cơ cháy nổ cũng tăng cao. Đặc biệt vào dịp áp tết, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, các cơ sở kinh doanh, chợ búa, dịch vụ đều tăng đột biến về tập kết các loại hàng hóa, lượng người đổ về các địa điểm kinh doanh để mua sắm cũng tăng cao. Kéo theo đó, nhu cầu sử dụng điện năng, gas và các nguồn dễ gây cháy cũng tăng mạnh như máy sưởi, máy sấy, máy làm nóng nguồn nước… khiến nguy cơ cháy nổ vào thời điểm này tăng lên gấp bội.

Trong khi đó, việc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế, thậm chí có nhiều nơi bị bỏ ngỏ, dẫn đến gia tăng các vụ hỏa hoạn, xuất phát từ việc chập điện, sơ suất trong nấu nướng, đốt các loại vật liệu…Thêm vào đó, dịp cuối năm, thời tiết diễn biến phức tạp, thường xảy ra sấm sét đánh vào các kho chứa, các cột điện và những nơi có hệ thống chống sét không được duy tu, bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên. Mưa bão cũng là nhân tố làm sao nhãng ý thức PCCC của nhiều cá nhân, đơn vị khi phải tập trung ứng phó với thời tiết... “Những nguyên nhân này, kèm theo tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân, của một số cơ quan, đơn vị cũng khiến cho các vụ cháy nổ tăng cao vào dịp cuối năm”  - Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh cho biết.

Các vụ cháy thường gia tăng dịp cuối năm. Ảnh: H.T

Tránh "mất bò mới lo làm chuồng"

Để hạn chế cháy nổ, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN lưy ý các cơ sở kinh doanh cần đặc biệt quan tâm đến việc phòng, chống cháy nổ; bố trí tập kết, sắp xếp hàng hóa một cách gọn gàng, khoa học, tránh xa các nguồn điện, nguồn nhiệt dễ gây cháy, nhất là dây điện không được để tiếp xúc hay để gần cây cối, sát các vật liệu kim loại và nơi rò rỉ nước… Hạn chế kéo đường điện chạy qua các kho bãi, nơi tập kết hàng hóa. Thường xuyên đo điện trở chống sét, duy tu bảo dưỡng hệ thống chống sét để tránh việc bị sét đánh gây cháy, nổ, chết người.

Trong năm 2020, Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN đã tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh tổ chức 19 chuyên đề về kiểm tra công tác PCCC ở các cơ sở di tích lịch sử, văn hóa tín ngưỡng; ở các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng; ở các chung cư, nhà cao tầng… Với 1.339 cơ sở được kiểm tra, qua đó lập 256 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng.

Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh cần thường xuyên củng cố lực lượng PCCC tại chỗ, tham gia tập huấn đầy đủ theo quy định của pháp luật. Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN sẽ thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC.
Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh (thứ 3 phải sang) và đoàn công tác Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở. Ảnh: Chu Minh

Khẳng định công tác PCCC cần chú trọng phòng hơn chống, Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh đề nghị người dân cũng như các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị cần phải tích cực trang bị các kiến thức, hiểu biết về PCCC và tự nâng cao ý thức về công tác này. Ngay trong mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác tự kiểm tra, tự phòng bị để kịp thời phát hiện các tồn tại, nguy cơ dẫn đến cháy, nổ; Trang bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị PCCC và thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị này. “Việc PCCC cần được thực hiện trên tinh thần lấy bài học của người khác làm kinh nghiệm cho bản thân, không để thiệt hại xảy ra rồi mới rút kinh nghiệm”. - Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh nhấn mạnh.