Chưa kịp mừng...
Nếu như 3 vòng đấu đầu tiên của V.League 2018số lượng bàn thắng trung bình chưa được 2 bàn/trận thì năm nay, con số đó là 3,57 bàn thắng/trận. Vòng 3 năm ngoái cao nhất là 1,78 bàn/trận, thua xa con số của giải năm nay 3,57 bàn/trận. Việc BTC V.League quyết định nâng số ngoại binh lên 3 đã có tác dụng.
Tổng số lượng khán giả đến sân 51.000 người, trung bình 7.286 người/trận vượt xa con số trung bình 6.294 người/trận của mùa giải năm trước. Điều đó cho thấy khán giả Việt Nam đã và đang quan tâm đến V.League sau những thành công của các đội tuyển tại các giải đấu khu vực năm 2018.
...đã thấy lo
Tuy nhiên, bạo lực sân cỏ có xu hướng tăng là vấn đề khiến dư luận lo ngại. Nếu như sau 3 vòng đấu đầu tiên V.League 2018, các trọng tài không phải rút ra chiếc thẻ đỏ nào, thì năm nay vòng đấu nào cũng có thẻ đỏ. Sau 3 vòng đấu đã có tổng cộng 4 thẻ đỏ được sử dụng, trong đó riêng trận Viettel – CLB Hà Nội ở vòng 3 có tới 8 thẻ vàng và 1 thẻ đỏ trực tiếp. Đó là do các trọng tài vẫn sót thẻ, nếu không con số còn lớn hơn nữa.
Không khó để thấy có 4 nguyên nhân chính khiến cho bạo lực sân cỏ đang gia tăng: Ý thức chấp hành luật bóng đá của cầu thủ kém, trọng tài xử lý thiếu kiên quyết, công tác huấn luyện, đào tạo của CLB vẫn xem nhẹ vấn đề này và ban trọng tài đưa ra án phạt còn chậm.
Một số đội có số thẻ nhiều lại rơi vào các ngoại binh lần đầu đến thi đấu tại Việt Nam, nhưng các pha bóng bạo lực lại thường do các ngoại binh nhiều năm chinh chiến V.League, điển hình là Oseni, Hoàng Vũ Samson (Hà Nội), Đỗ Merlo (SHB.Đà Nẵng)…
Đáng tiếc nhất phải kể đến trường hợp đội trưởng đội tuyển quốc gia Quế Ngọc Hải. Sau vụ vào bóng thô bạo làm gãy chân Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) ở V-League 2015, khiến Anh Khoa phải bỏ nghề, Hải đã thay đổi rất nhiều trong cách chơi bóng của mình trong màu áo đội tuyển. Nhưng tại V-League 2019, đá ba trận, Hải lại có liền hai pha vào bóng làm chấn thương nặng đối thủ.
Mới có 2 vòng đấu đã phải nhận 1 thẻ đỏ, 1 thẻ vàng, bị cấm thi đấu 4 trận là một quyết định cứng rắn, đủ sức răn đe bất cứ cầu thủ nào thay vì dùng kỹ thuật chơi bóng lại thích xu hướng bạo lực để đối phương sợ.
Đáng báo động là ngay cả đội bóng có dàn cầu thủ chất lượng tốt như Hà Nội FC cũng đã có 7 thẻ vàng, 1 thẻ đỏ. Văn Quyết, cựu tuyển thủ đội tuyển quốc gia cũng đã phải nhận thẻ sau pha dùng cùi chỏ đánh nguội đối thủ.
Nói không với bạo lực
Ngoài trận cầu nhuốm màu bạo lực giữa Viettel - Hà Nội (1 thẻ đỏ, 4 thẻ vàng), Hải Phòng - Nam Định (4 thẻ vàng)… Ngoại trừ thẻ đỏ Jeremie Lynch do bị thẻ vàng thứ 2 cởi áo ăn mừng hat-trick bàn thắng đầu tiên của mình, các thẻ đỏ còn lại đều chính xác.
Thực ra, vẫn có 1 số đội như SLNA, Nam Định, Bình Dương, HAGL…nhờ làm tốt công tác quán triệt tinh thần cho các cầu thủ trẻ nên ít xảy ra các tình huống bạo lực. Các “lão tướng” Đình Đồng, Văn Bình (SLNA) thi đấu rất quyết liệt trên sân nhưng vẫn đúng luật.
Nếu như những quyết định của ban kỷ luật dành cho các cầu thủ được cho là nghiêm khắc, kịp thời thì khán giả cho rằng, các trọng tài vẫn còn sót thẻ, ban trọng tài khá chậm chạp trong khi “xử lính”. Những nỗ lực của tân trưởng ban tổ chức giải Nguyễn Trọng Hoài và tân trưởng ban kỷ luật Vũ Xuân Thành được đánh giá khá cao.
Việc ban trọng tài VFF “vừa bồng em, vừa xay lúa” khép kín từ A-Z từ nơi đào tạo, xây dựng lực lượng trọng tài đến việc phân công, điều hành trọng tài, giám sát trọng tài khiến cho việc xử lý các trọng tài mắc sai sót vừa chậm vừa để lại nhiều hoài nghi. Các nền bóng đá tiên tiến, người ta tách việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ với việc phân công điều hành trọng tài, giám sát trọng tài để làm chéo công tác kiểm tra lẫn nhau.
Hai án phạt nặng dành cho các cầu thủ Quế Ngọc Hải (Viettel) và Rimario (Thanh Hóa) sẽ như hồi chuông cảnh tỉnh các cầu thủ vẫn thích chơi bóng bạo lực.