Phần lớn người nuôi ong thu hoạch mật khi chưa tới thời điểm, tức mật ong “chưa vít nắp” dẫn đến tình trạng mật bị lên men…, bị nhiều thị trường không chấp nhận.
Ông Đinh Quyết Tâm - Phó Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, cho biết mật ong từng là sản phẩm xuất khẩu rất có giá trị. Sản phẩm mật ong của ta chủ yếu là ong lá hút nhụy từ keo lai, cao su, điều và mật hoa từ hoa cà phê, vải, nhãn và một số loại hoa khác.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giá mật ong xuất khẩu giảm rất mạnh, nhiều thị trường cũng đã có động thái “nói không” với sản phẩm mật ong không đạt tiêu chuẩn, bị lên men hoặc tồn dư thức ăn bổ sung.
Ông Tâm cho biết thêm, hiện tại phần lớn đàn ong Việt Nam được cho ăn thức ăn bổ sung, chủ yếu là thức ăn có nguyên liệu từ đậu nành. Trong khi đó, phía EU đã từ chối mật ong có tồn dư thức ăn bổ sung trong sản phẩm.
Đậu nành cũng được xếp là 1 trong 8 chất có thể gây dị ứng theo quy định của Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), 1 trong 14 chất có nguy cơ gây dị ứng của châu Âu. Từ những năm 2000 đến nay, thị trường Mỹ chiếm gần 90% sản lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam. “Do đó, nếu thị trường Mỹ mà từ chối nữa thì sản phẩm mật ong Việt Nam không biết… bỏ đi đâu”, ông Tâm lo ngại.
Ngoài ra, ông Lâm cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến những cảnh báo từ thị trường nhập khẩu nêu trên, là do phần lớn người nuôi ong hiện nay thu hoạch khi mật chưa “vít nắp”. Nghĩa là trong quá trình ong lấy mật về tổ sẽ diễn ra “chế biến” để thành thức ăn cho con non. Khi quá trình này hoàn thành, ong mẹ sẽ đóng nắp tổ để “bảo quản” sản phẩm thức ăn vừa chế biến xong.
Sản phẩm mật ong nếu thu hoạch khi đã được “vít nắp” thì chất lượng rất đảm bảo, quá trình chế biến xuất khẩu mật không bị lên men… Còn nếu người nuôi ong “bán non”, tức mật ong chưa đến tuổi thu hoạch, chưa “vít nắp” thì chất lượng không đảm bảo, dễ lên men, không đậm đặc… nên bị thị trường từ chối.
“Đó là chưa kể vấn đề thức ăn bổ sung, thức ăn có nguyên liệu biến đổi gene… Ngay cả phân khúc mật ong giá rẻ cũng bắt đầu nói không với GMO, các nước xuất khẩu cũng đã thực hiện nuôi ong mật hữu cơ”, ông Tâm nói.
Ông Ngô Xuân Vinh, một hộ nuôi ong ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) cũng thông tin, phần lớn người nuôi ong trong nước bán mật ong “chưa chín” là do thời gian chờ ong vít nắp 90 - 100% phải tốn từ 15 - 20 ngày trong khi mật quay vít nắp 30 - 40% chỉ tốn khoảng 7 - 10 ngày nhưng giá bán vẫn ngang nhau.
Do đó, cách giải quyết là các doanh nghiệp, người thu mua mật ong phải có máy đo thủy phần để phân định giá bán từng loại mật khác nhau, theo độ đậm đặc của sản phẩm.
“Doanh nghiệp xuất khẩu mật cũng phải mua bán cạnh tranh lành mạnh, phải thường xuyên theo dõi các trại ong khi khai thác mật. Giá xuất khẩu mật phải hợp lý để người nuôi ong không bị lỗ, cần đầu tư kho lạnh để bảo quản sản phẩm tốt hơn”, ông Vinh nêu vấn đề.
Chia sẻ tại hội thảo “Duy trì và mở rộng thị phần mật ong Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu” tổ chức tại TP.HCM sáng nay, ông Vinh cũng cho biết, nhiều năm nay, người nuôi ong còn bị nhiều đối tượng quấy rối, phải đóng tiền “bảo kê”… khiến chi phí tăng mà người nuôi cũng không thấy an tâm sản xuất.
“Chính quyền địa phương phải tạo điều kiện về an ninh cho người nuôi ong, chứ như hiện nay, tình trạng “bảo kê”, vòi vĩnh… diễn ra nhiều khiến người nuôi rất bất an”, ông Vinh nói.
Theo Báo Dân Việt