Đào Pi vì “không mất gì”

Hơn 1 tháng trở lại đây, tại Nghệ An xuất hiện hàng loạt hội, nhóm trên mạng xã hội liên quan đến cái tên Pi Network. Có những hội, nhóm đã có đến hơn 500 thành viên chỉ sau ít ngày thành lập. Trong những nhóm này, nội dung phần lớn là chia sẻ về những hiểu biết về Pi Network cũng như hướng dẫn cách đào Pi.

Phần lớn bài viết trong nhóm cũng cho rằng, dự án này không lừa đảo, không mất thời gian và hoàn toàn miễn phí. Đào Pi trên điện thoại thông minh mà không cần treo máy, không sợ hao pin, đồng tiền này sẽ thay thế Bitcoin... để lôi kéo người tham gia. Đặc biệt, nhiều bài đăng có nội dung cho rằng Pi sẽ sớm trở thành những đồng tiền ảo giá trị cao như Bitcoin, Ethereum; không đầu tư từ bây giờ sẽ mất cơ hội làm giàu; cơ hội thành tỷ phú mà không mất bất kỳ chi phí gì...

bna_tienao25751269_1232021.jpgPi Network mới đây đã lọt tốp 10 ứng dụng được tải nhiều nhất trên hệ điều hành iOS và tiền ảo "Pi" đang là từ khóa được nhắc đến với tần suất cao trong thời gian gần đây. Ảnh: Tiến Hùng

Ngoài ra, nhiều thành viên còn khẳng định mỗi đồng Pi có giá trị vài USD, thậm chí hàng trăm USD, bằng cách chụp lại màn hình một số sàn giao dịch Pi trên Internet. Trong khi đó, thực tế, giá trị của Pi hiện bằng 0. Điều này được khẳng định bởi chính đội ngũ phát triển và được nêu trong phần FAQ trong ứng dụng. Một số người rao mua tài khoản Pi với giá 100.000 - 200.000 đồng/Pi, sau đó cũng được phát hiện là lừa đảo, nhằm chiếm tài khoản Facebook của người dùng.

“Người ta đổ xô đào Pi vì tâm lý chẳng mất gì cả. Nhiều người cứ bảo là lừa đảo nhưng Pi có bắt bạn nộp khoản tiền nào đâu. Còn nói mất thông tin thì thông tin bạn có quan trọng gì”, một thành viên trong nhóm chia sẻ với phóng viên Báo Nghệ An.

Một số hội nhóm Pi ở Nghệ An. Ảnh: Tiến Hùng

Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Văn Long - chuyên viên phòng Kế hoạch Tổng hợp Sở Công Thương Nghệ An cho biết, ngày 8/2, việc tỷ phú Elon Musk của hãng chế tạo xe điện Tesla thông báo đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin - đồng tiền kỹ thuật số phổ biến nhất thế giới dẫn đến cơn sốt tiền ảo trên toàn thế giới, mỗi Bitcoin giao dịch trên thị trường có giá hơn 1,1 tỷ đồng,… đã dẫn đến cơn sốt tiền ảo tiếp tục tăng mạnh ở Việt Nam. “Mới đây nhất, nhiều người truyền nhau thông tin về đào đồng Pi (Pi Network), vậy là hàng nghìn người lại “lao” vào loại tiền ảo mới, với hy vọng sẽ trở thành triệu phú trong tương lai. Tuy nhiên, tiền ảo chưa được chấp nhận ở Việt Nam và mọi hoạt động liên quan đến tiền ảo đều vi phạm pháp luật”, ông Long nói.

Được giới thiệu từ năm 2019, Pi Network có giao dịch nội bộ đầu tiên vào năm 2020. Đồng tiền điện tử này được quảng cáo là không phải bỏ ra bất kỳ chi phí nào khi có thể khai thác trên smartphone, thông qua ứng dụng miễn phí Pi Network. Nhiều người nắm giữ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn Pi trong ví ảo đang chờ đồng tiền này lên sàn.

Người đứng sau của dự án Pi được giới thiệu là Tiến sỹ Nicolas Kokkalis, đang nghiên cứu về Blockchain tại Đại học Stanford. Theo lời giới thiệu trên sách trắng của dự án, Pi được xây dựng để trở thành "đồng tiền điện tử phổ biến nhất trên thế giới". Tuy nhiên, tính xác thực về những thông tin của dự án này vẫn khá mơ hồ, do không xuất hiện trên trang chủ của Đại học Stanford mà chỉ xuất hiện trên diễn đàn sinh viên của trường?...

Theo ghi nhận mới nhất, tại trang fanpage của Pi Network cũng vừa công bố đạt 13 triệu người dùng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Pi Network mới đây đã lọt tốp 10 ứng dụng được tải nhiều nhất trên hệ điều hành iOS và tiền ảo "Pi" đang là từ khóa được nhắc đến với tần suất cao trong thời gian gần đây.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ cần 1 chiếc smartphone, tải app Pi Network và tạo một tài khoản bằng số điện thoại là có thể bắt đầu đào được Pi. Lúc đầu, mỗi người dùng sẽ có 1 đồng Pi trong tài khoản, trong 24 giờ vào ứng dụng một lần để "điểm danh", số Pi sẽ tăng theo thời gian. Người dùng có thể tăng tỷ lệ nhận Pi bằng cách mời thêm bạn bè cộng đồng và tăng thu nhập bằng cách xây dựng vòng tròn những người thân thiết cùng đào Pi. "Đơn giản" và "miễn phí" là 2 yếu tố tạo nên "hiệu ứng" Pi.

Với kinh nghiệm nhiều năm tìm hiểu về các loại đồng tiền ảo, ông Nguyễn Văn Long cho rằng, một nguyên tắc bất di, bất dịch trong tiền ảo ứng dụng công nghệ Blockchain là sự minh bạch, nhưng toàn bộ mã nguồn, cơ chế hoạt động của Pi thì hiện chưa ai nắm rõ. Đồng tiền Pi có nhiều vấn đề khi người dùng có tài khoản nhưng lại không có địa chỉ ví và khóa bí mật, như vậy, sau này sẽ không thể chuyển tiền hay tiêu được. Tiền chỉ được lưu trên điện thoại hoặc server tập trung, người quản trị có thể thay đổi và tạo ra bao nhiêu tiền tùy theo ý muốn. Khi đó, đồng tiền cũng không còn giá trị gì.

Pi Network gây sốt trong thời gian gần đây. Ảnh: Facebook

“Quan điểm "đào" đồng Pi không mất gì là chưa chính xác. Chắc chắn các bạn sẽ mất: Thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại hoặc facebook ID..., thông tin xác thực eKYC), mất thời gian, mất tài nguyên của điện thoại, và có thể mất thêm thông tin khác trong máy (vì app yêu cầu nhiều quyền can thiệp vào máy), mất công sức để lôi kéo người khác vào cái gọi là "vòng tròn tin tưởng" khá giống đa cấp ", ông Long nói.

Cũng theo ông Long, tới thời điểm hiện tại, đồng Pi đang vô giá trị và kể cả trong tương lai cũng chưa có gì đảm bảo chắc chắn rằng đơn vị tiền ảo này sẽ có giá trị. Chính suy nghĩ "được thì tốt - không cũng không mất gì" của người tham gia Pi Network đã khiến họ xây dựng lên tương lai tươi sáng cho đồng tiền ảo này mà không xem xét tới hàng loạt điểm bất thường. Thậm chí ngay cả cha đẻ của Pi - Tiến sỹ Nicolas Kokkalis cũng chưa từng khẳng định sự thành công, thời điểm lên sàn giao dịch cũng như giá trị thật mà đồng tiền ảo này có thể đạt được. Tất cả mới đang là kỳ vọng. Vì vậy, người dùng cần hết sức thận trọng khi tham gia vào mạng lưới này.

Hình ảnh được chia sẻ nhiều trong cộng đồng Pi, nhưng thực tế việc thanh toán bằng Pi là không thể, và hiện bị cấm ở Việt Nam.

“Theo thống kê trên thế giới có hơn 8.000 đồng tiền ảo khác nhau. Có đồng tiền thành công, có giá trị cao, tuy nhiên, cũng có hàng trăm dự án phát triển “lẹt đẹt”, giá trị đồng tiền dưới 1 đô la thậm chí chỉ có giá trị 0.001 đô la. Tại Việt Nam cũng có hàng chục loại tiền điện tử ra đời, 2/3 số này là lừa đảo, không có có thật như các dự án BTCV, DRK, iFan, Pincoin, Bitconnect… Những dự án này đã lừa đảo của người dùng từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu đô la. Nhiều người bán đất, bán nhà tham gia vào các dự án này nhưng cuối cùng tay trắng”, ông Long nói và cho hay, một số dự án là có thật, nhưng không có vốn, không đủ công nghệ, kế hoạch cụ thể… nên sau một thời gian giới thiệu thì giờ giá trị đi xuống, sống “vất vưởng” mà không ai quan tâm. Vì vậy, nếu ai muốn tham gia thị trường này thì nên tìm hiểu kỹ nếu không chỉ mất thời gian, mất tiền vô ích.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ mới đây, một lần nữa lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước đều cảnh báo: Hoạt động của các sàn Forex, tiền ảo là không đúng quy định pháp luật, đồng thời khẳng định tiền ảo không được phép sử dụng làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam, không được luật pháp Việt Nam công nhận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, bất kỳ tổn hại nào về vật chất, dữ liệu cá nhân cũng như tinh thần của người đầu tư vào các loại tiền ảo sẽ không được pháp luật bảo vệ.