- Dễ bị lừa khi thiếu hiểu biết pháp luật
Cuối tháng 3/2021, trao đổi về vụ việc hai chị em gái của một gia đình ở xã Keng Đu (Kỳ Sơn) bị lừa đi lao động ở Lâm Đồng vừa được lực lượng Công an tìm kiếm, trao trả về gia đình vào chiều ngày 11/3/2021, lãnh đạo Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, hai cháu gái 14 tuổi và 15 tuổi là chị em ruột. Đó là Học Thị Hà và Học Thị Viêng, con của ông Học Phò Cay , trú ở bản Huồi Xui, xã Keng Đu.
Trước đó, Công an huyện Kỳ Sơn nhận được kết nối của một người dân ở tỉnh Lâm Đồng đề nghị xác nhận thân nhân cho hai trường hợp mà người này đang cưu mang ở Lâm Đồng, chính là Học Thị Hà và Học Thị Viêng. Hai cháu gái này nghe theo lời rủ rê của một số đối tượng quen biết ở xã Keng Đu, cũng từng đi làm ăn xa với lời mời chào “làm việc được trả lương cao nhiều triệu đồng một tháng, được ăn ngon, mặc đẹp”. Không nghĩ ngợi nhiều, hai em rủ nhau theo chỉ dẫn của các đối tượng mồi chài đã bắt xe vào huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng với hy vọng làm thuê kiếm được nhiều tiền.
Tuy nhiên, trốn nhà ra đi với hai bàn tay trắng, các đối tượng rủ rê chỉ cho tiền đi vào đến Lâm Đồng. Và sau 3 tháng lao động làm thuê cho một người tên là Kim Yến, hai chị em Học Thị Hà và Học Thị Viêng không được trả một đồng nào tiền công. Chủ nhà chỉ cho ăn cơm hàng ngày, thất vọng, buồn tủi và nhớ nhà, hai chị em đã bỏ trốn khỏi nơi làm thuê để về quê. Song không có tiền, không biết đường đi nên hai chị em Hà và Viêng đi lang thang ở Lâm Đồng, được một gia đình tốt bụng cưu mang, hỏi han quê quán và liên lạc với Công an huyện Kỳ Sơn giúp đỡ đưa hai chị em về với gia đình.
Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Keng Đu - ông Lương Văn Ngam cho biết, gia đình hai em Học Thị Hà và Học Thị Viêng có 10 người, gồm cha mẹ và 8 đứa con. Hầu hết các thành viên gia đình này đều bỏ học sớm, riêng em Hà và em Viêng học chưa hết mẫu giáo đã bỏ học. Ngoài 2 chị gái và 1 anh trai đã lập gia đình thì hai em Hà và Viêng sau khi bỏ học chỉ biết ở nhà quanh quẩn tìm măng, tìm đót sống qua ngày. Cùng với 3 đứa em nhỏ khác, các em ít được tiếp cận với những kiến thức pháp luật, những sự bày dạy của thầy cô, cộng đồng do đã bỏ học.
Bản Huồi Xui tiếp giáp với xã Bắc Lý, có gần 100 hộ thì 100% đều là hộ nghèo, các gia đình hầu như hoàn cảnh nghèo khó, đông con nên tỷ lệ trẻ em bỏ học cao, hầu hết chỉ học đến hết cấp 1. Số trẻ em học hết cấp 2, cấp 3 ở bản này chỉ đếm trên đầu ngón tay mặc dù các cấp chính quyền, các tổ chức thiện nguyện đã đầu tư xây dựng các điểm trường khá khang trang, đầy đủ để phục vụ việc học tập của người dân nơi đây. Nhiều gia đình các thầy cô giáo đến tận nơi vận động, động viên các em đi học, song các bậc cha mẹ ít có sự nhắc nhở, thậm chí không khuyến khích các em đến trường nên nhiều em thiệt thòi.
Đối với hai em Học Thị Hà và Học Thị Viêng, khi hỏi chuyện về lý do tại sao lại quyết định đi vào miền Nam để làm thuê mặc dù không có tiền, không có giấy tờ, không hiểu biết về nơi mình định đến, thì các em cho biết “nghe người quen nói thì đi, vì nghĩ sẽ kiếm được tiền. Ở nhà không có tiền, nghèo khổ lắm”. Nhận thức còn non kém, ít hiểu biết pháp luật nên các em chỉ nghĩ đơn giản, không lường hết những cạm bẫy sẽ gặp phải khi đi theo lời dụ dỗ của các đối tượng xấu.
Chủ động tìm hiểu kiến thức pháp luật
Cũng ở địa bàn xã Keng Đu, trước đó lực lượng Công an cũng vừa giải cứu 5 trường hợp bị lừa đi xuất khẩu lao động, sau đó bị các đối tượng buôn người âm mưu đưa bán sang Trung Quốc như Chuyên án 120TX, Công an huyện Kỳ Sơn chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng Keng Đu bắt đối tượng Lữ Văn Chương, SN 1996, trú tại bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn về hành mua bán trẻ em; giải cứu thành công 1 cháu gái SN 2001. Mở rộng điều tra, Công an huyện khởi tố, bắt thêm bị can Lương Văn Sơn, SN 1994, trú tại bản Huồi Khe, Keng Đu, Kỳ Sơn cùng hành vi mua bán trẻ em.
Hoặc ngày 1/8/2020, Công an huyện Kỳ Sơn phá thành công Chuyên án 712MB, bắt đối tượng Cụt Thị Oanh, SN 1988, trú tại bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu về hành vi “Mua bán người”, giải cứu 2 nạn nhân.
Hiện nay, nhu cầu tìm việc làm, đi lao động trong hoặc ngoài nước của người dân Kỳ Sơn là rất lớn, nhất là lực lượng đang trong tuổi lao động, các cháu học sinh mới học xong cấp 2 hoặc cấp 3. Đây cũng là những người mà các đối tượng lừa đảo nhắm đến để thực hiện hành vi phạm pháp.
Theo thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội UBDN huyện Kỳ Sơn thì trên địa bàn mỗi năm có khoảng 6.200 lao động đi làm việc ở các địa phương trong và ngoài nước, trong đó lao động Kỳ Sơn đi tìm việc làm ở các tỉnh trong nước khoảng 4.900 người.
Để từng bước giúp người dân tránh được các rủi ro khi đi tìm việc ở địa phương khác, Thượng tá Tô Văn Hậu - Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, ngoài bám sát địa bàn để nắm tình hình, tăng cường thành lập các chuyên án để đấu tranh thì Công an huyện còn đặc biệt chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, kiểm soát, vô hiệu hóa nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật về mua bán người, lừa đảo người lao động tìm việc làm. Riêng năm 2020, đơn vị đã phối hợp tổ chức 321 buổi phát động phong trào toàn dân tham gia tố giác tội phạm tại 21/21 xã, thị trấn và các trường học trọng điểm; thu hút hơn 51.224 người học tham gia. Đặc biệt, đã chủ động tham mưu, triển khai 2 kế hoạch lớn về tuyên truyền phòng, chống mua bán người, mua bán bào thai và gặp gỡ người lao động trong nước, ngoài nước về quê dịp Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Tư pháp UBND huyện Kỳ Sơn cho hay, ngay trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán, phòng Tư pháp huyện đã có kế hoạch phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng địa bàn dân cư, đặc biệt là những địa bàn trọng điểm.
Gần đây nhất, trong 2 ngày 29-30/3, Phòng Tư pháp đang phối hợp với các lực lượng và địa phương tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền, phát tờ rơi và trình chiếu các hình ảnh trực quan đến từng người dân ở các bản Đồn Boọng, xã Na Loi, bản Huồi Xui, xã Keng Đu, bản Phà Nọi, xã Đoọc Mạy… Đây là một trong các hoạt động được Phòng Tư pháp Kỳ Sơn thực hiện thường xuyên.
Đối với người dân đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động cần phải biết lựa chọn những địa chỉ giới thiệu uy tín, được các tổ chức nhà nước công nhận thì mới có thể tránh được rủi ro. Tuy nhiên, để người dân tiếp cận được các địa chỉ đảm bảo thì ngoài tuyên truyền về chính sách, pháp luật, còn cần giúp người dân nâng cao ý thức tự giác, tạo thói quen liên hệ, báo cáo chính quyền địa phương và làm đầy đủ các thủ tục đăng ký tạm vắng. Bên cạnh đó, cần chủ động trang bị cho mình các kiến thức pháp luật để tránh bị lừa đảo, lợi dụng từ các đối tượng xấu.