Lùi để tiến?
Theo hãng thông tấn Reuters, văn phòng của ông Conte đêm 25/1 đã tiết lộ với giới truyền thông rằng, ông Giuseppe Conte đã có kế hoạch tổ chức cuộc họp nội các vào sáng 26/1, nhằm thông tin đến các bộ trưởng về quyết định hệ trọng của mình, rằng ông có “nguyện vọng tới Quirinale (dinh Tổng thống) để đệ đơn xin từ chức”. Sau đó, ông Conte di chuyển đến dinh thự nói trên để gặp Tổng thống President Sergio Mattarella, nhân vật đảm đương cương vị nguyên thủ quốc gia, người có thể chấp nhận đơn từ chức, và rồi có khả năng sẽ đặt câu hỏi cho vị Thủ tướng đang gặp khó, rằng liệu ông có thể tập hợp được một liên minh vững chãi hơn, đảm bảo việc chế ngự được một thế đa số đáng tin cậy hơn trong Quốc hội hay chăng.
Ý đồ được báo chí phỏng đoán cũng đã được các nguồn tin cấp cao trong chính phủ đương nhiệm xác nhận, rằng vị thủ tướng tại nhiệm từ tháng 6/2018 đến nay đang ôm ấp hy vọng rằng Tổng thống Mattarella sẽ trao cho ông thẩm quyền thành lập chính phủ mới, có được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn trong phạm vi Quốc hội.
Nhìn lại chính trường Italy những ngày qua, theo hãng thông tấn AP, dẫu ông Conte quả thực đã vượt qua 2 cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội hồi tuần trước, song đáng quan ngại là chính ông cũng đã để mất thế đa số tại Thượng viện, do đảng trung dung Italia Viva dưới sự dẫn dắt của cựu Thủ tướng Matteo Renzi đã quyết định rút khỏi liên minh cầm quyền. Nguyên nhân thôi thúc đồng minh “ngoảnh mặt quay lưng” được xác định do tranh cãi quanh cách giải quyết của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng Covid-19 và cơn suy thoái kinh tế đang bủa vây quốc gia hình chiếc ủng.
Tuy nhiên, một số ý kiến nhận định, đứng trước thực tế ấy, ông Conte vẫn không muốn từ chức bởi lo lắng rằng có thể ông sẽ không được tái bổ nhiệm. Bởi lẽ đó, ông đã cố gắng lôi kéo các thượng nghị sỹ trung dung và độc lập, đang dao động về phe với mình thông qua những lời hứa hẹn mơ hồ về một hiệp ước chính phủ mới và các vị trí khả thi trong nội các; nhưng hầu như lại không đạt được thành công như mong đợi. Thậm chí, các nhà lập pháp từ đảng Dân chủ (PD) còn tuyên bố ông cần phải từ chức và mở ra các cuộc đàm phán chính thức để có thời gian thành lập liên minh mới. Hệ quả của những tranh cãi trên chính trường là, tính hiệu quả trong hoạt động của chính phủ Italy gặp trở ngại, khó khăn chồng chất khó khăn, khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng. Và thế đa số bị “thu nhỏ” cũng khiến ông Conte đứng trước nguy cơ bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu dự kiến được tổ chức cuối tuần này tại Thượng viện. Cân nhắc các kịch bản, có lẽ từ chức là lựa chọn “sáng” nhất đối với Thủ tướng Conte trong lúc này.
Kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, Italy đã kinh qua 66 chính phủ. Các chính quyền thường bị giải tán rồi sau đó tập hợp lại trong những cuộc đàm phán “hậu trường”, quanh co, mở đường cho các cuộc cải tổ nội các hay xem xét lại chính sách.
Điều Italy cần
Tổng thống Mattarella đã hơn một lần nhấn mạnh việc cấp bách là Italy cần có ban lãnh đạo vững vàng, nhất là khi quốc gia này đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19, thảm kịch y tế đã và đang lưu lại những “vết sẹo” khủng khiếp đối với nền kinh tế trì trệ bấy lâu nay của họ.
Vì thế, không loại trừ khả năng rằng, sau khi tham vấn với lãnh đạo của chính phủ và các đảng đối lập, thay vì tái bổ nhiệm ông Conte, vị nguyên thủ có thể quyết định chọn một người khác, được đánh giá là sở hữu cơ hội cao hơn trong việc thành lập một chính phủ vững chãi hơn. Còn trong trường hợp không một ai có thể tạo ra một liên minh khả thi, đáng tin cậy, thì ông Mattarella vẫn còn phương án giải tán Quốc hội, mở đường cho cuộc bầu cử diễn ra sớm 2 năm so với dự kiến.
Ông Conte đã giữ vai trò lãnh đạo một liên minh trung tả lắm tranh cãi trong suốt 16 tháng. Trước đó, trong suốt 15 tháng, ông đứng đầu một chính phủ cũng với sự hiện diện của đảng lớn nhất trong Quốc hội - Phong trào 5 Sao dân túy, nhưng liên minh với đảng Liên đoàn cánh hữu của ông Matteo Salvini. Chính phủ đầu tiên này đã sụp đổ khi ông Salvini rút lại sự ủng hộ sau thất bại của mình trong nỗ lực đua tranh chiếc ghế thủ tướng. Dù thường được “gắn” với Phong trào 5 Sao, song thực tế là ông Conte không lãnh đạo bất kỳ đảng phái nào. Vì thế, nếu rời khỏi cuộc khủng hoảng chính trị thường xuyên của Italy, ông Conte sẽ không còn là thành phần tham dự các cuộc tham vấn chính thức với Tổng thống Mattarella, khi ông này gặp gỡ lãnh đạo các đảng luân phiên nhau đến dinh Tổng thống để đối thoại.
Trước khi Văn phòng Thủ tướng Conte đưa ra tuyên bố về khả năng đệ đơn từ chức, đảng đối lập trung dung của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã bày tỏ sự ủng hộ với bất cứ chính phủ mới nào đi chăng nữa, khẳng định rằng, ông tin tưởng “sự khôn khéo về chính trị” của ông Mattarella sẽ giúp tìm ra con đường vượt khủng hoảng. Trong một tuyên bố, Berlusconi nói: “Đường cao tốc thì chỉ có một mà thôi. Giải pháp đó là một chính phủ mới đại diện cho sự thống nhất thực chất của đất nước trong thời khắc khủng hoảng”, hoặc có thể là một cuộc bầu cử mới “để trao trả tiếng nói định đoạt cho cử tri Italy”.
Cuối tháng 2 tới, chính phủ Italy phải thông báo cho Liên minh châu Âu về ý định phân bổ khoảng 200 tỷ euro (tương đương 250 tỷ USD) từ quỹ phục hồi, tập trung cải tổ các hệ thống y tế và các thể chế khác của đất nước. Một trong những vấn đề khúc mắc của Renzi với Conte là ông cho rằng, quá nhiều quyền quyết định được đặt vào tay thủ tướng khi bàn đến các chương trình tài chính này. Còn với Salvini, ông cho biết đã kêu gọi diễn ra cuộc gặp các lãnh đạo trung hữu, bao gồm lãnh đạo phe cực hữu Giorgia Meloni và đảng của Berlusconi để thúc đẩy phe đối lập gây sức ép yêu cầu tổ chức các cuộc bầu cử.
Trong khi đó, lãnh đạo đối tác liên minh chính - đảng Dân chủ đã lên tiếng ủng hộ trao thẩm quyền mới cho ông Conte, lập luận rằng, chính phủ mới sẽ “thân châu Âu và được sự ủng hộ mạnh mẽ trong quốc hội, bảo đảm sự tín nhiệm và ổn định để đối mặt với những thách thức trước mắt mà Italy sắp đối mặt”. Nhưng với các nhà phân tích, sự ủng hộ từ chính liên minh của Conte dành cho nhà lãnh đạo này lại không kiên định, thậm chí dễ đổi thay trong chóng vánh. Luồng quan điểm này lập luận, một chính phủ liên minh mới, dù dưới sự dẫn dắt của Conte hay một thủ tướng khác, vẫn là kịch bản khả thi nhất; nhưng điều quan trọng cần phải nhận ra là, Italy sẽ vẫn được lãnh đạo bởi một người đứng đầu không phù hợp đảm đương nhiệm vụ khó khăn trước mắt, tiềm ẩn nguy cơ tái diễn dịch bản như cuộc bầu cử hồi năm 2018./.