(Baonghean) - Trong một động thái khá bất ngờ, Thủ tướng Anh Theresa May hôm 18/4 đã kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 8/6 tới - sớm 3 năm rưỡi so với kế hoạch dự kiến.
Nếu cuộc tổng tuyển cử này có kết quả như bà Theresa May dự kiến, nó sẽ giúp bà có tính chính danh lớn hơn trong cuộc đàm phán khó khăn với Liên minh châu Âu về tiến trình đưa nước Anh rời khỏi khối (Brexit), đồng thời giải quyết được những vấn đề nội bộ của đảng Bảo thủ. Chỉ có điều, cuộc tổng tuyển cử sắp tới cũng giống như một canh bạc mà bà Theresa May chưa nắm chắc phần thắng.
“Gió đổi chiều”
Kể từ khi bà Theresa May tiếp quản vị trí Thủ tướng nước Anh từ ông David Cameron, một câu hỏi lớn vẫn luôn bủa vây căn nhà số 10, phố Downing, đó là liệu sẽ có một cuộc tổng tuyển cử sớm hay không.
Tuy nhiên, bà Theresa May luôn bác bỏ mọi kế hoạch tổng tuyển cử sớm, cho rằng việc này sẽ không diễn ra cho đến khi nước Anh hoàn thành xong việc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về đưa nước Anh ra khỏi khối (Brexit).
Bởi vậy, lời kêu gọi của bà May hôm 18/4 là một động thái khá bất ngờ, thậm chí Thủ hiến Scoltand Nicola Sturgeon còn gọi là “sự đảo chiều bất thường nhất trong lịch sử chính trị nước Anh hiện đại”!
Trả lời phỏng vấn báo chí sau sự kiện quan trọng này, bà Theresa May tiết lộ rằng quyết định của bà được đưa ra trong một lần đi dạo cuối tuần mới đây tại xứ Wales, và nó nhanh chóng được các thành viên nội các tán thành.
Sau đó một ngày, bà Theresa May đã công bố dự luật mở đường cho việc tiến hành bầu cử trước thời hạn, đồng thời hối thúc tất cả các đảng phái thông qua dự luật này. Trước năm 2010, Thủ tướng Anh chỉ cần sự chấp thuận của Nữ hoàng để tổ chức bầu cử trước thời hạn.
Nhưng năm 2010, Thủ tướng Anh khi đó là ông David Cameron đưa ra luật mới quy định nhiệm kỳ Quốc hội phải kéo dài đủ 5 năm và nếu muốn tiến hành bầu cử trước thời hạn, Thủ tướng Anh phải có sự chấp thuận của hai phần ba số nghị sỹ.
Dù đảng Bảo thủ của bà Theresa May hiện chỉ chiếm đa số sít sao trong Quốc hội, nhưng sự ủng hộ của chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa kế hoạch này hiện thực.
Mũi tên trúng nhiều đích
Trong bài phát biểu tại số 10 phố Downing, bà Theresa May đã lý giải tổng tuyển cử trước thời hạn là cần thiết nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và ổn định của chính phủ, để vượt qua các cuộc đàm phán về Brexit và đưa đất nước phát triển thời kỳ hậu Brexit.
Hành trình Brexit mà nước Anh chuẩn bị thực hiện bắt đầu từ cuối tháng 5 tới được dự báo ẩn chứa nhiều nguy cơ đa dạng và phức tạp, bắt nguồn từ những chia rẽ nội bộ.
Điều đó thể hiện rõ trong những tuần gần đây khi Công đảng đối lập tuyên bố sẽ bỏ phiếu phản đối thỏa thuận cuối cùng mà nước Anh đạt được với Liên minh châu Âu, Đảng Tự do Dân chủ có nhiều động thái cản trở những bước tiến của chính phủ, trong khi đảng Dân tộc Scotland cũng tuyên bố phản đối bất cứ quy trình pháp lý nào nhằm bãi bỏ quy chế thành viên Liên minh châu Âu của Anh.
Bởi vậy, bà Theresa May tỏ ra khá kiên quyết khi nói rằng: “Nếu không tổ chức tổng tuyển cử ngay bây giờ, các đảng phái sẽ không dừng lại “trò chơi chính trị của” họ”. Trong bối cảnh nội bộ Quốc hội nước Anh đang rất chia rẽ, bà Theresa May muốn gia tăng sức mạnh cho chính cá nhân bà thông qua tính chính danh cao hơn.
Trước đây, bà trở thành Thủ tướng nước Anh là do đảng Bảo thủ bầu để thay thế cho ông David Cameron. Vì thế, bà bị mang tiếng là lên nắm quyền qua “cửa sau” chứ không có được sự ủy thác quyền lực của cử tri, làm suy yếu vị thế của bà May trong đàm phán với EU về Brexit.
Qua cuộc tổng tuyển cử này, bà muốn trở thành một Thủ tướng dân cử. Bởi vậy, bà đã kêu gọi: “Mỗi một lá phiếu ủng hộ Đảng Bảo thủ sẽ giúp tôi mạnh mẽ hơn trong cuộc đàm phán Brexit”.
Bên cạnh việc tạo sức mạnh cho bà Theresa May trong đàm phán Brexit, một cuộc tổng tuyển cử sớm còn giúp bà giải quyết các vấn đề nội bộ của đảng Bảo thủ. Hiện nay, đảng Bảo thủ của bà May chỉ chiếm đa số sít sao trong Quốc hội.
Khi các cuộc thăm dò cho thấy, tỷ lệ ủng hộ với Công đảng đối lập đang sụt giảm ở mức thấp nhất từ trước đến nay, đây là cơ hội để bà May giành đa số áp đảo cho đảng Bảo thủ trong Quốc hội.
Ngoài ra, khi bê bối về các khoản chi phí bầu cử không rõ ràng của Đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015 đã manh nha xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, một cuộc tổng tuyển cử sớm được nâng lên tầm “cực kỳ quan trọng với tương lai của đất nước” sẽ đẩy bê bối này xuống mức “chẳng đáng để nói”.
Canh bạc rủi ro
Giới quan sát cho rằng đảng Bảo thủ đang có nhiều lợi thế và sẽ giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tới. Thế nhưng, sau bầu cử Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái, các cuộc bầu cử sắp tới tại châu Âu – gần tới nhất là Pháp – đều được cho là rất khó dự đoán.
Bởi vậy, quyết định tổng tuyển cử sớm của bà Theresa May cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như một “canh bạc”. Ngược thời gian một năm trước, việc bà May tiếp quản vị trí Thủ tướng nước Anh cũng xuất phát từ một “canh bạc” mà cựu Thủ tướng David Cameron luôn cho là mình có nhiều “cơ” thắng - “canh bạc” mở đường cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Ngoài yếu tố bất ngờ, cuộc tổng tuyển cử sắp tới còn khơi lại sự chia rẽ sâu sắc ở nước Anh thời điểm gần một năm trước. Trong khi bà Theresa May tỏ ra sẵn sàng chấp nhận một kịch bản Brexit “cứng” với câu nói “thà không đạt thỏa thuận còn hơn đạt một thỏa thuận tồi”, những người từng phản đối việc rời khỏi EU lại luôn mong muốn tìm kiếm một thỏa thuận mềm, nghĩa là giữ nước Anh ở lại trong khối thị trường chung châu Âu.
Và cuộc tổng tuyển cử vào tháng 6 sẽ là cơ hội để những người theo trường phái này gia tăng tiếng nói của mình. Ông Tim Farron, chủ tịch đảng Tự do Dân chủ - đảng đang chiếm 9 ghế trong Hạ viện cũng đã bày tỏ quan điểm ngay sau lời kêu gọi của bà May rằng: “Cuộc bầu cử này là cơ hội để nước Anh thay đổi hướng đi.
Nếu chúng ta muốn tránh một kịch bản Brexit cứng, nếu muốn giữ chúng ta ở lại trong thị trường chung châu Âu, nếu muốn nước Anh vẫn rộng mở, hội nhập và đoàn kết, đây chính là cơ hội. Chỉ có Đảng Tự do Dân chủ mới có thể ngăn cản Đảng Bảo chủ chiếm đa số trong Quốc hội”.
Như vậy, dù được đánh giá là dũng cảm, sáng suốt và đúng thời điểm, song không có nghĩa bước đi của Thủ tướng Theresa May không chứa đựng rủi ro.
Nếu đảng Bảo thủ không giành chiến thắng áp đảo như bà dự tính, bà Theresa May sẽ phải hứng chịu hàng loạt “tác động ngược”, từ uy tín cá nhân sụt giảm, vai trò lãnh đạo của Đảng Bảo thủ lung lay, và trước mắt là sự thiếu chắc chắn trong cuộc đàm phán cam go với Liên minh châu Âu.
Thúy Ngọc