Dù không muốn có xung đột quân sự với Nhật Bản, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động trên biển.

Trong những tuần gần đây, các cuộc khẩu chiến giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã đột ngột gia tăng cả về cấp độ lẫn cường độ. Nhiều người lo ngại các cuộc đấu khẩu có thể dẫn tới xung đột quân sự giữa hai nước láng giềng ở Đông Bắc Á này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, mặc dù các màn “đấu võ mồm” giữa Tokyo và Bắc Kinh đang diễn ra hết sức căng thẳng và cả hai nước đều đang có những động thái tăng cường sức mạnh quân sự nhưng khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực giữa hai nước tại thời điểm hiện nay là không nhiều.

Khẩu chiến leo thang

Quan hệ Nhật-Trung đã trở nên căng thẳng từ tháng 9 năm ngoái sau khi Tokyo quyết định mua lại 3 trong số 5 đảo nhỏ thuộc quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư từ một thương nhân của nước này, với lý do là quản lý quần đảo này một cách “hòa bình và ổn định”. Kể từ sau đó, bất chấp các nỗ lực của cả hai bên, quan hệ Nhật-Trung vẫn không được cải thiện.

images862945_tau_trung_1.jpgTàu Trung Quốc tiếp tục đi vào khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: China news)
Trung Quốc vẫn thường xuyên cử các tàu thuyền và máy bay xâm nhập vùng biển và vùng trời quanh quần đảo mà Nhật Bản đang quản lý. Điều này đã dẫn tới các cuộc khẩu chiến giữa các nhà ngoại giao và giới chức hai nước.

Tần suất của các cuộc đấu khẩu giữa Tokyo và Bắc Kinh đã đột ngột gia tăng vào tháng 9/2013 sau khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố họ sẽ cân nhắc khả năng bắn rơi máy bay không người lái của Trung Quốc xâm phạm không phận quần đảo Senkaku.

Đài NHK dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định nếu máy bay không người lái của quân đội Trung Quốc "xâm phạm không phận Nhật Bản", tạo tình thế uy hiếp an ninh quốc gia của nước này, phía Nhật Bản sẽ cân nhắc việc bắn rơi máy bay không người lái của Trung Quốc.

Ngay lập tức, Bắc Kinh đã lên tiếng cảnh báo Tokyo. Ngày 17/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định do nguyên nhân lịch sử, mọi động thái về lĩnh vực an ninh quân sự của Nhật Bản đều được cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng châu Á rất quan tâm. Trung Quốc hy vọng phía Nhật Bản lấy lịch sử làm gương, tôn trọng sự quan tâm của các nước trong khu vực, làm nhiều việc có lợi cho ổn định và hòa bình khu vực, ngừng tạo ra và tô vẽ sự đối lập căng thẳng, tạo ra cớ để mở rộng quân bị, điều chỉnh sách lược quân sự.

Những tưởng sự việc sẽ chỉ dừng lại đấy nhưng thực tế, các cuộc khẩu chiến giữa hai bên lại tiếp tục leo thang. Theo hãng tin AFP, tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bật đèn xanh cho kế hoạch bắn hạ bất cứ máy bay không người lái nào không tuân theo các cảnh báo phải rời khỏi không phận Nhật Bản.

Thông tin này được đưa ra sau khi một máy bay không người lái đã lọt vào không phận phía Nam Nhật Bản. Các nhà lập pháp Nhật Bản, với tư cách cá nhân, cho rằng không nghi ngờ gì đó là máy bay của Trung Quốc.

Ngay lập tức, Trung Quốc đã phản ứng rất quyết liệt. Hôm 26/10, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh khẳng định: "Chúng tôi nhấn mạnh với các bên liên quan rằng không nên đánh giá thấp quyết tâm mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Nếu Nhật Bản có các hành động mang tính áp đặt như bắn hạ máy bay như những gì họ đã nói, (chúng tôi sẽ coi) đó là hành vi khiêu khích nghiêm trọng, một hành động có thể châm ngòi chiến tranh, và Trung Quốc sẽ đáp trả quyết liệt. Bên khiêu chiến sẽ phải chịu mọi hệ lụy của hành vi này".

Phản ứng trước lời đe dọa của Bắc Kinh, hôm 27/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cảnh báo Bắc Kinh không nên sử dụng vũ lực để thay đổi cán cân quyền lực khu vực.

Nhật Bản tăng cường hoạt động quốc phòng (Ảnh: Kyodo)
Phát biểu trong một cuộc thao diễn quân sự thường niên, Thủ tướng Abe nói: " Hiện tại xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi và tuyên bố khiêu khích đe dọa ảnh hưởng tới chủ quyền dân tộc. Có thể nói, môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang trở nên phức tạp và khắc nghiệt hơn. Để khẳng định mục tiêu và quan điểm không dung thứ tất cả các hành vi sử dụng vũ lực để thay đổi tình hình, chúng ta phải tiến hành nhiều biện pháp như tăng cường tuần tra giám sát và thu thập tin tức tình báo".

Trước đó, trả lời phỏng vấn tờ "Wall Street Journal", Thủ tướng Abe nói: "Có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách thay đổi cán cân quyền lực khu vực bằng các vũ lực thay vì dựa vào luật lệ và nguyên tắc”. Tuy nhiên, theo ông Abe, nếu Trung Quốc (thực sự) lựa chọn hướng đi này, họ sẽ khó có thể trỗi dậy một cách hòa bình.

Đấu khẩu sẽ chuyển thành đối đầu quân sự?

Theo hãng tin Kyodo, ngày 27/10 – ngày Thủ tướng Abe có các phát biểu cảnh báo Bắc Kinh không nên sử dụng vũ lực để thay đổi cán cân quyền lực khu vực - là ngày thứ ba liên tiếp Nhật Bản cho triển khai các máy bay chiến đấu nhằm đáp trả việc các máy bay Trung Quốc hoạt động trên vùng biển quốc tế gần quần đảo Okinawa.

Trước đó, hai máy bay cảnh báo sớm Y8 và hai máy bay ném bom H6 của Trung Quốc đã bay từ vùng Biển Hoa Đông tới Thái Bình Dương rồi quay lại, song không xâm phạm không phận Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết "đó là hai máy bay cảnh báo sớm và hai máy bay ném bom. Đây là điều bất thường khi có nhiều máy bay như vậy bay ở khu vực đảo Okinawa và đảo Miyako. Chúng tôi cho rằng việc này diễn ra trong ba ngày liên tiếp cũng là một điều rất bất thường”.

Sau đó, ngày 28/10, lực lượng tuần duyên của Trung Quốc lại điều 4 tàu tới vùng biển gần đảo Okinawa, ngay ngoài lãnh hải của Nhật Bản, và đậu ở đó trong 2 giờ dưới sự theo dõi của lực lượng Nhật Bản. Ngày 29/10, hai tàu khu trục nhỏ của Hải quân Trung Quốc đã đi vào khu vực này.

Hiện nay, quân đội Nhật Bản đang ở trong tình trạng cảnh giác cao độ. Nhật Bản đang lên kế hoạch tổ chức cuộc diễn tập trên không và trên biển quan trọng vào tháng 11 tới để củng cố và tăng cường năng lực bảo đảm an ninh cho các hòn đảo ở xa.

Mặc dù các cuộc khẩu chiến giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang diễn ra hết sức căng thẳng và nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa hai nước đang gia tăng nhưng theo các chuyên gia phân tích, cả Tokyo và Bắc Kinh đều chưa sẵn sàng lao vào một cuộc chiến tổng lực do lo ngại về hậu quả của một cuộc chiến như vậy đối với nền kinh tế.

Hiện tại, nền kinh tế Nhật Bản đang bắt đầu hồi phục sau thảm họa kép hồi tháng 3/2011 nhưng sự hồi phục này vẫn chưa vững chắc. Vì vậy, Tokyo rất cần một môi trường bên ngoài ổn định để duy trì đà phục hồi đó. Trong khi đó, Tokyo cũng lo ngại sự đối đầu quân sự với Bắc Kinh có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nước này ở Trung Quốc.

Về phần mình, đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm dần, khiến nhiều người lo ngại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này có thể sẽ “hạ cánh cứng”. Vì vậy, Trung Quốc cũng cần một môi trường bên ngoài ổn định để giúp nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng lo ngại về hậu quả khôn lường của việc các dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ Nhật Bản, chảy khỏi nước này trong trường xung đột quân sự xảy ra giữa hai nước. Tại thời điểm khi Nhật Bản và Trung Quốc mới chỉ cẳng thẳng về mặt chính trị, dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc đã sụt giảm. Các số liệu thống kê của phía Nhật Bản cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2013, đầu tư của Nhật Bản tại Trung Quốc sụt giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 4,93 tỷ USD, trong khi đầu tư của nước này tại Đông Nam Á đã tăng 55% lên 10,29 tỷ USD.

Xuất phát từ những lý do đó, hai nước đang nỗ lực tìm các giải pháp ngoại giao để hạ nhiệt tình hình. Theo hãng tin Kyodo, trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tuần trước, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda đã hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Hai bên đã trao đổi quan điểm về vấn đề tranh chấp lãnh thổ Nhật-Trung cũng như những bất đồng về quan điểm giữa Tokyo và Bắc Kinh trong các vấn đề lịch sử.

Trước đó, theo hãng tin Kyodo, hôm 16/10, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã thừa nhận vào đầu tháng này, một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc đã bí mật thăm Nhật Bản để tiến hành đàm phán không chính thức nhằm cải thiện quan hệ song phương.

Cùng với kênh ngoại giao, Nhật Bản và Trung Quốc đang tìm cách cải thiện quan hệ thông qua các kênh khác. Theo đài NHK, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc dự kiến sẽ cử phái đoàn gồm khoảng 50 quan chức chính quyền địa phương và doanh nhân tới Nhật Bản trong tháng này. Đây là lần đầu tiên trong vòng 1 năm qua một tỉnh của Trung Quốc cử phái đoàn lớn như vậy tới thăm Nhật Bản.

Chính quyền tỉnh Quảng Đông đã ngưng hoạt động trao đổi kinh tế với Nhật Bản sau khi xảy ra các vụ biểu tình chống Nhật, liên quan tới vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lan rộng trên toàn quốc hồi tháng 9 năm ngoái.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia phân tích, dù không muốn có xung đột quân sự với Nhật Bản, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động trên biển. Điều này sẽ khiến tình trạng căng thẳng trong quan hệ Nhật-Trung sẽ khó chấm dứt trong tương lai gần./.

Theo VOV