(Baonghean) - Cuối tuần qua, quan hệ giữa Nga và phương Tây, cụ thể là với các nước châu Âu cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO đã gia tăng căng thẳng lên nấc thang mới. Theo đó, Nga vừa công bố một bản "danh sách đen" gồm các chính trị gia của Liên minh châu Âu bị cấm vào Nga, trong khi Nga và NATO đã nổ ra cuộc khẩu chiến liên quan đến các hoạt động quân sự gia tăng trong khu vực, Trong khi đó cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa được giải quyết, liệu những căng thẳng này sẽ đi đến đâu, và bên nào đang nắm đằng chuôi?

Theo giới quan sát và chính phía Nga cũng khẳng định, việc Nga đưa ra danh sách đen lần này là nhằm phản ứng lại các lệnh cấm tương tự trước đó Liên minh châu Âu đã áp dụng đối với công dân Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo đó, danh sách 89 người gồm công dân, nghị sĩ, quan chức quốc phòng và an ninh nhiều nước châu Âu.

Theo nhiều nguồn tin, danh sách này gồm nhiều nhân vật tầm cỡ như cựu Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Malcolm Rifkind, cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, các quan chức đương nhiệm như Thứ trưởng Bộ Tư pháp Ba Lan Robert Kupiecki. Tất nhiên, phản ứng của Liên minh châu Âu ngay lập tức là giận dữ và "yêu cầu Nga giải thích một cách hợp lý" như lời Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã chỉ trích Nga về hành động này và cho rằng, Moscow không nên công bố danh sách cấm nhập cảnh vào thời điểm hiện nay khi các bên đang nỗ lực giảm xung đột tại Trung Âu.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Thế nhưng theo giới phân tích, động thái của Nga lại không có gì khó hiểu khi những ngày qua, căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với NATO đang ngày càng trầm trọng với một cuộc khẩu chiến giữa hai bên. Theo đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lên tiếng chỉ trích Nga khiêu khích khi tăng cường triển khai máy bay ném bom và có kế hoạch đưa tên lửa hạt nhân đến sát châu Âu.

Theo ông Stoltenberg, việc Nga liên tục đưa ra các tuyên bố đe dọa, thường xuyên tập trận và tổ chức các chiến dịch quân sự là “rất đáng lo ngại”. Đáp lại, Đại diện thường trực Nga tại NATO Aleksander Glushko tuần qua tuyên bố rằng, Nga sẽ buộc phải đáp trả và có đủ mọi phương tiện để làm việc này trong trường hợp NATO tăng cường lực lượng tại châu Âu. Hiện có thể nói, quan hệ Nga - NATO được cho là ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Trước đó, Nga nhiều lần chỉ trích NATO liên tục tìm cách mở rộng về phía Đông, tiến đến gần Nga và cho rằng, NATO đang lợi dụng khủng hoảng Ukraine để bành trướng và áp đảo Nga. Trong khi đó, NATO khẳng định, các động thái quân sự của Nga đang đe dọa an ninh của châu Âu.

Không chỉ bằng khẩu chiến và biện pháp chính trị, tuần qua, khoảng 100 chiến đấu cơ của Mỹ và 8 nước châu Âu đã tiến hành tập trận ở các nước Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan. Trong khi đó theo hãng thông tấn RIA, máy bay quân sự Nga đã phải xuất kích để ngăn chặn một tàu khu trục Ross của Mỹ di chuyển dọc theo khu vực giáp lãnh hải của Nga và có hành động “gây hấn” trên Biển Đen. Đây là cuộc đối đầu mới nhất giữa Nga và các nước phương Tây, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Trước đó tính từ đầu tháng 5, NATO cũng đã tăng cường các cuộc tập trận trên biển và đất liền sát biên giới với Nga. Đáp lại, Nga đã cáo buộc Mỹ và phương Tây can dự vào tình hình Macedonia hồi giữa tháng, để cuối cùng là nhằm vào Nga.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu căng thẳng Nga - châu Âu có tiếp tục căng thẳng hơn nữa và sự đối đầu giữa Nga và NATO có trở thành xung đột, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa thể giải quyết? Lẽ dĩ nhiên, NATO vốn vẫn là công cụ của Mỹ nhằm chống lại Nga, từ trước đến nay vẫn vậy. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, khi Nga đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất của khủng hoảng kinh tế trước các lệnh cấm vận của châu Âu. Và với các nước châu Âu cũng là thành viên NATO như Đức, Anh, Pháp…. thì lúc này, làm căng với Nga cũng chính là tự đánh vào lưng mình. Vì thế, chắc chắn các nước thành viên NATO sẽ biết đâu là giới hạn và đâu là điểm dừng.

Một dẫn chứng là mặc dù các nước châu Âu dù không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea, thế nhưng cũng không có động thái nào để đưa khu vực này quay trở lại Ukraine. Hay việc Tổng thống Ukraine Poroshenko thời gian qua tiến hành nhiều bước đi đoạn tuyệt với Nga, mới nhất là mời các nhân vật chống Nga tham gia chính trường nước này.

Đây có thể được hiểu là đòn khiêu khích của Ukraine với Nga, nhưng mặt khác lại có thể hiểu rằng, chính quyền Kiev đang phải cố gắng lấy điểm trong mắt phương Tây dường như không còn mặn mà với Ukraine như đã từng hứa hẹn. Cho nên theo các nhà phân tích, dù có liên tục khẩu chiến và giương vây lẫn nhau như vừa qua, nhưng giữa Nga và NATO vẫn sẽ khó có thể quay trở lại thời kỳ đối đầu và xung đột trước đây, bất kể ai có đang “nắm đằng chuôi” đi nữa.

Phương Hoa