Canada tuyên bố sẽ tổ chức hội nghị quốc tế về vấn đề Triều Tiên cách đây gần 1 tháng - thời điểm mà vấn đề Triều Tiên gần như lâm vào bế tắc. Các cuộc họp khẩn giữa các bên liên quan liên tục diễn ra, theo sau là các lệnh trừng phạt ngày một khắc nghiệt nhằm vào Triều Tiên.
Thế nhưng, những lần thử hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên vẫn diễn ra ngày một dồn dập với trình độ kỹ thuật ngày càng hoàn thiện, có khả năng vươn tới toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ.
Giới phân tích nhận định rằng, Triều Tiên sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống khốn khó để đổi lấy khả năng làm chủ công nghệ trong lĩnh vực hạt nhân và tên lửa.
Bởi vậy, có khá nhiều ý kiến hoài nghi về sự tham gia của Canada trong vấn đề Triều Tiên - một quốc gia gần như vắng bóng trong vấn đề Triều Tiên suốt nhiều năm qua.
Canada đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên năm 2001 để hỗ trợ “Chính sách Ánh dương” của cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung. Kể từ năm 2010, Canada gần như không can dự sâu vào vấn đề hạt nhân của nước này sau khi cựu Thủ tướng Stephen Harper áp dụng chính sách “kiểm soát can dự” trong vấn đề Triều Tiên.
Việc ít liên quan trong vấn đề Triều Tiên lại là một lợi thế để Canada nắm giữ vai trò trung gian. Với quan hệ thương mại được duy trì ổn định với một số quốc gia trong khu vực, trong khi gần như không có sự hiện diện quân sự, Canada không có mối liên quan trực tiếp trong vấn đề Triều Tiên như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc.
Bởi vậy, thời điểm hiện tại được coi là thuận lợi để Canada trở lại trong “hồ sơ Triều Tiên”, với mong muốn tạo cầu nối cho các bên liên quan, hướng đến tìm kiếm giải pháp cho bán đảo Triều Tiên dựa trên các quy tắc và luật lệ quốc tế.
Hướng tới giải pháp ngoại giao
Trong hội nghị lần này tại Vancouver, các nhà ngoại giao dự kiến sẽ tìm kiếm giải pháp để gây sức ép nhiều hơn nữa lên Triều Tiên nhằm buộc nước này quay trở lại bàn đàm phán.
Dù đây không phải là một cách tiếp cận mới, song Canada cho rằng, điều quan trọng nhất là phải tạo lập được sự đồng thuận trong cộng đồng quốc tế trong việc thực thi các lệnh trừng phạt, như vậy các giải pháp gây sức ép với Triều Tiên mới có thể phát huy hiệu quả.
Thực tế hiện nay cho thấy, các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp quốc với Triều Tiên vẫn còn nhiều lỗ hổng, trong khi các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Triều Tiên cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc có hoạt động kinh doanh với Triều Tiên gần như không có tác động gì tới tiến độ chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.
Các nhà ngoại giao nhận định rằng, Triều Tiên vẫn luôn tỏ ra cứng cỏi về khả năng trụ vững trước các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Song các thông tin tình báo cho thấy nền kinh tế nước này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Kể cả việc Triều Tiên đồng ý nối lại đối thoại với Hàn Quốc trong những ngày đầu năm 2018 cũng được cho là vì Triều Tiên cần phải tìm lối thoát cho tình cảnh hiện tại, nhất là khi giai đoạn khắc nghiệt nhất của mùa đông đang tới gần. Đây là cơ hội thuận lợi để các bên xúc tiến giải pháp để đưa Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.
Giới phân tích từng nhiều lần nhận định, bất luận tình hình trên bán đảo Triều Tiên xoay vần ra sao, giải pháp ngoại giao thông qua đàm phán vẫn là cách thức khả thi duy nhất.
Dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến hoài nghi về kết quả của hội nghị lần này tại Vancouver khi Nga và Trung Quốc không được mời tham dự. Cho đến thời điểm này, Canada vẫn chưa có lời giải thích nào về việc vì sao hai quốc gia có vai trò rất lớn trong vấn đề Triều Tiên - đặc biệt là Trung Quốc lại không có tên trong danh sách khách mời.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau có lẽ cũng đã nhận thấy sự bất cập này, bởi vậy, hai ngày trước khi hội nghị diễn ra, ông đã cam kết sẽ tiếp tục đối thoại với tất cả các bên, bao gồm cả Nga và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi hai nước này giúp sức để xoa dịu căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.
Thông điệp gửi tới Nhà Trắng
Khi đại diện của 16 quốc gia nhóm họp tại Vancouver để tìm kiếm các giải pháp ngoại giao, thông điệp mà họ muốn chuyển tải không chỉ nhắm tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà còn tới Nhà Trắng, cho dù Mỹ là quốc gia đồng chủ trì hội nghị.
Dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự hội nghị lần này là Ngoại trưởng Rex Tillerson, người vẫn luôn theo trường phái “chủ hòa” trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Ngoại trưởng Rex Tillerson từng công khai ủng hộ việc nối lại các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Triều Tiên, song những thông điệp của ông thường xuyên bị “nhiễu sóng” bởi những tuyên bố trái chiều từ chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như một số thành viên khác trong chính phủ.
Bởi vậy, một mặt trận quốc tế thống nhất nhằm hướng tới giải pháp ngoại giao sẽ là căn cứ để Ngoại trưởng Mỹ vượt qua những bất đồng nội bộ để xúc tiến các giải pháp trong chính phủ Mỹ về vấn đề Triều Tiên.
Khi nhậm chức Thủ tướng Canada hồi năm 2015, ông Justin Trudeau từng gửi tới cộng đồng quốc tế thông điệp rằng “Canada đã trở lại”.
Và sẽ không có minh chứng nào hùng hồn hơn cho thông điệp này nếu Canada có thể “làm nên chuyện” trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tất nhiên, ông Justin Trudeau không “ảo tưởng” đến mức kỳ vọng một bước nhảy vọt nào đó chỉ sau hội nghị lần này ở Vancouver.