(Baonghean) -Theo phản ánh của người dân, trong những năm qua xã Đô Thành (Yên Thành) đã mắc nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai... Tuy nhiên, đến nay những sai phạm vẫn chưa được xử lý. Chúng tôi đã về địa phương điều tra, tìm hiểu và kết quả đúng như phản ánh.
Sai phạm có hệ thống
Theo đơn khiếu nại của ông Lê Văn Lộc, xóm Phú Xuân, xã Đô Thành thì xã đã hủy hợp đồng giao khoán đất với Hội Người cao tuổi (NCT) xóm Phú Xuân để bán đất cho các hộ cá nhân làm nhà trên đất lưu không kênh Vách Bắc trái quy định của pháp luật. Qua tìm hiểu được biết, mảnh đất này Hội NCT được giao khoán trồng cây từ 1996. Tuy nhiên, hiện nay tại đây đã mọc lên một công trình nhà ở trái phép của ông Bùi Văn Khang.
Theo ông Hồ Xuân Hương - Phó Chủ tịch xã Đô Thành: "Trước đây xã có giao cho ông Lộc, đại diện Hội NCT để trồng cây nhưng tại vị trí đó ông Khang cũng có một số giấy tờ liên quan đến việc xã giao đất cho ông như phiếu nộp tiền, giấy giao đất... Tuy nhiên, thời điểm ông Khang trình các giấy tờ xã cũng không cho phép ông Khang xây dựng với lý do trước đây xã giao đất trái thẩm quyền, nhưng ông Khang vẫn “lén lút” xây dựng". Và quả nhiên hiện nay, sau quá trình "lén lút" xây dựng, ông Khang đã hoàn thành xong ngôi nhà bằng kiên cố với đầy đủ hệ thống tường bao... Nghĩa là sai phạm của gia đình ông Khang hiện nay xuất phát từ sai phạm trong giao đất của xã Đô Thành trước đó.
Công trình xây dựng trái phép của gia đình ông Bùi Văn Khang.
Mở rộng tìm hiểu chúng tôi được biết, từ những năm 1993 đến 1995, UBND xã Đô Thành đã giao đất cho 168 hộ, với chiều dài bám đường đến 1.762m, đất được giao là mái kênh Vách Bắc nhưng không quy định chiều sâu lô đất. Tuy giao đất vào mục đích sản xuất kinh doanh nhưng UBND xã giao diện tích lớn, có hộ tới 34m bám đường, không quy định thời hạn sử dụng, chủ hộ có quyền thừa kế, chuyển nhượng, UBND xã chỉ thu tiền một lần. Từ thời điểm giao đất đến nay, người dân không phải đóng góp bất kỳ khoản nghĩa vụ nào về đất. Và thực tế từ đó đến nay nhiều công trình nhà ở đã được xây dựng, việc lấn chiếm xảy ra tràn lan. Tuy nhiên, theo như ông phó chủ tịch xã, thì hầu như là "lén lút". Nhưng theo quan sát của chúng tôi thì các công trình được xây dựng tại đây không hề lén lút tí nào. Ngay trước trụ sở UBND xã, một công trình đồ sộ 4 tầng vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đó là công trình của gia đình ông Hoàng Văn Thịnh ở xóm Phú Vinh. Được biết đất của gia đình ông Thịnh là đất chuyển nhượng của ông Hoàng Khởi (đã mất).
Cùng với sai phạm trên, nhiều hộ dân ở giáp bờ kênh 18A và kênh 18A-6 đã không chỉ lấn mặt kênh mà còn cả bờ kênh. Hầu hết các hộ đều xây dựng cầu, đường đi riêng cho gia đình mình. Theo đó, vô hình dung mặt kênh đã trở thành tài sản riêng của từng hộ. Cứ thế, mạnh ai nấy làm, đến nay đã hình thành nhiều mố cầu quy mô, làm thu hẹp lòng kênh.
Chưa hết sai phạm, trên địa bàn xã Đô Thành còn xảy ra tình trạng vi phạm đất Nghị định 64 và thổ cư ở các xóm Phú Vinh, Gia Mỹ, Nam Vực, Phú Xuân... Nhiều hộ đã ngang nhiên lấn chiếm với diện tích lớn như một số hộ ở xóm Phú Xuân: ông Võ Bính lấn đất từ 2005 với diện tích 401m2; ông Trần Đại Bàng (xóm Phú Xuân) 500m2; ông Nguyễn Hồng Thái xây bờ bao đất NĐ 64 vào khuôn viên đất ở diện tích 1.050m2...
Khó xử lý
Thừa nhận những sai phạm nêu trên, tuy nhiên ông Hồ Xuân Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho rằng rất khó xử lý. Đơn cử như đối với các trường hợp xây dựng trái phép như hộ ông Khang, ông Thịnh... rất khó xử lý bởi trước đây xã đã thu tiền. Ông Hương còn cho biết "7m mặt đường thu 2 triệu đồng một lần, còn trước 1990 thì chỉ có mấy trăm". Số tiền đó xã dùng đầu tư xây dựng hạ tầng phúc lợi...
Được biết, với những sai phạm tại xã Đô Thành, Thanh tra huyện Yên Thành đã mất hơn 2 tháng điều tra để có kết luận chính xác. Theo đó, Kết luận thanh tra số 268/KL-UBND huyện Yên Thành ngày 25/7/2012, nêu rõ: "Việc năm 1993- 1995, UBND xã Đô Thành giao đất trên mái kênh Vách Bắc vào mục đích kinh doanh là vi phạm thẩm quyền giao đất, vi phạm "Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI, ngày 31/8/1994 và Pháp lệnh "Bảo vệ công trình giao thông" ngày 10/12/1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX" Trong kết luận của Thanh tra huyện cũng đã chỉ rõ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ xã chưa cao, thiếu kiên quyết trong xử lý các trường hợp vi phạm. Theo đó, xã Đô Thành đã triển khai biện pháp khắc phục. Ông Hồ Xuân Hương cho biết: "Đối với các trường hợp vi phạm, xã đã tuyên truyền vận động để người dân tự giác tháo dỡ, nếu không tự giác xã sẽ dùng hình thức cưỡng chế". Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc xử lý các công trình vi phạm ở xã Đô Thành cũng chỉ cầm chừng ở mức độ "tuyên truyền".
Trước thực tế trên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Dựa trên kết luận của Thanh tra huyện đã chỉ đạo khắc phục những sai phạm nêu trên. Riêng đối với những công trình kiên cố phải xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Đối với cán bộ xã làm sai, huyện đã có văn bản chỉ đạo kiểm điểm. Tuy nhiên, với sai phạm từ những năm 1995 thì nay có chủ tịch đã mất...
Có thể thấy, những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai ở Yên Thành là những sai phạm có tính hệ thống. Nguyên nhân chủ yếu không được phát hiện, xử lý kịp thời đã dẫn đến hàng loạt sai phạm tiếp theo, kéo dài. Được biết, các sai phạm này đã đi qua 3 đời chủ tịch xã, chưa kể chủ tịch hiện nay. Vì vậy, trên cơ sở kết luận của Thanh tra, huyện Yên Thành cần kịp thời chỉ đạo hướng giải quyết, quy trách nhiệm cụ thể đối với từng cán bộ có liên quan, qua từng mốc thời gian cụ thể để từ đó bóc tách giải quyết dứt điểm, không để người sau đổ lỗi cho người trước, dẫn đến sự việc dây dưa kéo dài. Đối với những hộ cố tình vi phạm cần ngăn chặn xử lý nghiêm. Với những công trình vi phạm có nguyên nhân từ sai phạm của chính quyền xã, bên cạnh tuyên truyền vận động để người dân hiểu, chấp hành, cần có biện pháp xử lý không để người dân tái phạm. Trong trường hợp vượt thẩm quyền, cần kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh để có cách giải quyết hợp lý, nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, cũng như không để phát sinh thêm các trường hợp khiếu kiện kéo dài về sau.
Theo Luật Đất đai năm 2003, Điều 141, xử lý đối với người quản lý vi phạm pháp luật về đất đai, nêu rõ: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai; thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.