(Baonghean.vn) - Không để di tích, di sản thành gánh nặng ngân sách; nâng cao chất lượng học ngoại ngữ; chất lượng giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu... Đó là những nội dung quan trọng được bàn thảo tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của UBND tỉnh, tổ chức vào sáng 22/3.
Không để di sản thành “gánh nặng” của kinh tế - xã hội
Đây là thực trạng được đưa ra tại Dự thảo Quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 do Sở Văn hóa và Thể thao trình bày.
Hiện tại, theo thống kê, Nghệ An có 2.327 di tích và là tỉnh có mật độ di tích cao nhất cả nước. Tuy vậy, công tác quản lý sử dụng và phát huy giá trị di tích còn rất nhiều tồn tại, các giải pháp trùng tu, tôn tạo còn hạn chế.
Bên cạnh đó, việc phát huy các giá trị di tích chưa tập trung làm nổi bật các giá trị đặc trưng, chưa có sự liên kết giữa các không gian di tích. Đặc biệt, các di tích, di sản chưa gắn kết giữa cộng đồng dân cư, chưa phát huy được giá trị bằng các kết quả thực tế, chưa trở thành những hạt nhân tăng trưởng và việc trùng tu, bảo tồn nhiều năm đang là gánh nặng cho ngân sách.
Từ thực tế này, dự thảo đã xây dựng mục tiêu “Bỏ gánh nặng ngân sách, hướng tới kinh tế di sản” và đưa ra các nhóm giải pháp tùy theo từng nhóm di sản.
Tuy nhiên, qua quá trình góp ý, đại diện các ban, ngành đã chỉ ra nhiều vấn đề trong dự thảo chưa được làm rõ. Cụ thể, theo đại diện Sở Xây dựng, hiện nội dung quy hoạch chưa phù hợp với các phần, khái niệm về di tích, di sản chưa rõ, chưa làm nổi bật được giá trị văn hóa phi vật thể, việc phân vùng di tích theo điều kiện tự nhiên và điều kiện địa lý là chưa hợp lý.
Mặt khác, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn khi trong quy hoạch đưa ra khái niệm về nhóm di sản công nghiệp và yêu cầu cần có sự chọn lọc để phát huy đúng giá trị các di sản.
Về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao, đơn vị tư vấn cần xem xét lại vấn đề quy hoạch di tích. Trong quá trình xây dựng, phải làm sao để các địa phương thấy được vinh dự, trách nhiệm của mình trong việc quản lý và phát huy được các giá trị di tích.
Chất lượng giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh và đại diện các Sở, ban, ngành đã đánh giá những kết quả đạt được sau 6 năm triển khai thực hiện “Kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2020” theo Quyết định số 5600/QĐ - UBND.VX.
Theo đó, Nghệ An đã đầu tư 88/223 tỷ đồng để phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp trang thiết bị dạy học cho việc học ngoại ngữ. Nhờ đó, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi, ngành Giáo dục tỉnh nhà đã đạt được 3 kết quả nổi bật.
Đó là đã “thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An; chất lượng, trình độ ngoại ngữ ở các vùng đô thị, thành phố và các vùng thuận lợi có nhiều thuận lợi; từng bước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị”.
Tuy vậy, chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là năng lực ngoại ngữ trong giao tiếp của học sinh và sinh viên; mục tiêu phổ cập ngoại ngữ cho người lao động, nhất là cho đối tượng công chức, viên chức chưa đạt yêu cầu.
Công tác phát triển đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai. Năm học 2016 - 2017, toàn ngành có 2.723 giáo viên ngoại ngữ nhưng chỉ có 1.723 giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định của từng cấp học; tỷ lệ đạt chuẩn chỉ mới đạt 63,2%; đặc biệt, cấp THPT mới đạt 20%.
Đưa ra ý kiến cho giai đoạn 2017 - 2020, các đại biểu đều thống nhất việc tiếp tục triển khai Kế hoạch “Dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Tuy vậy, quá trình thực hiện cần đánh giá chính xác về hiệu quả, đặc biệt là chất lượng giáo viên, tránh tình trạng “cô kém hơn trò”, gây phản cảm với xã hội.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường thống nhất, đồng tình. Tuy vậy, để hoàn thiện nội dung văn bản, ngành Giáo dục cần phải làm rõ về kết quả thực hiện theo từng vùng, từng đối tượng.
Bên cạnh đó, phải làm rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, mục tiêu chính là nâng cao rõ rệt về trình độ ngoại ngữ của học sinh. Đồng chí cũng đồng tình việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa dạy và học ngoại ngữ, thành lập trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng theo ý kiến của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, việc triển khai phải cân nhắc, đúng quy trình và đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Cũng trong buổi sáng ngày 22/3, cuộc họp đã thông qua Dự thảo Quyết định ban hành “Tỷ lệ quy đổi từ thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An”; Dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực cho Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường Nghệ An” do Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày. Đồng thời cũng đã nghe và cho ý kiến về Dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017) của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Về nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Đường khẳng định, đây là một sự kiện chính trị hết sức quan trọng để ghi nhớ, tôn vinh công lao những người đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần xây dựng chi tiết kế hoạch triển khai. Từ nay đến dịp lễ kỷ niệm, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, việc tổ chức các hoạt động nên đi vào thực chất, tránh hình thức. Theo kế hoạch, trong dịp này, Nghệ An sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ gắn với Hội nghị gặp mặt, biểu dương những cá nhân, gia đình người có công tiêu biểu, các đơn vị, cá nhân làm tốt công tác chính sách người có công với cách mạng. |
Mỹ Hà