(Baonghean) -Mua tạm trữ các sản phẩm nông nghiệp như lúa, gạo, cà phê, muối… là biện pháp can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào thị trường nhằm đảm bảo bình ổn giá cả, người dân trực tiếp sản xuất ra sản phẩm không chỉ đảm bảo đủ chi phí mà còn có lãi (khoảng 30%). Tình huống trên được áp dụng trong điều kiện “cung” tăng đó là nông sản vào vụ thu hoạch chính nhưng giá cả trên thị trường thấp.Để sản phẩm của người nông dân không bị các tư thương ép giá, Nhà nước chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối hoặc dùng chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp lớn đứng ra mua sản phẩm theo giá khuyến cáo của mình nhằm giúp bà con nông dân, khi nào giá cả trên thị trường thuận lợi sẽ bán ra. Thực tế, chính sách thu mua lúa tạm trữ cho bà con nông dân các tỉnh miền Nam những năm qua phần nào phát huy được tác dụng. Tuy vậy, gần đây có thông tin về việc Hiệp hội các doanh nghiệp thu mua lương thực là đơn vị đứng ra thu mua lúa gạo tạm trữ lâu nay, có ý kiến đề xuất Chính phủ chuyển chức năng này về cho các địa phương khiến không chỉ nông dân lo lắng mà các nhà quản lý cũng phải trăn trở suy nghĩ. Việc chuyển chức năng thu mua nông sản tạm trữ về các địa phương theo thủ tục hành chính là đơn giản, nhưng thực tế đặt ra nhiều vấn đề nan giải. Hiện nay hệ thống thu mua, năng lực kho bãi ở các địa phương rất hạn chế; cùng với đó là cơ chế hỗ trợ tài chính cho địa phương như thế nào và ai sẽ đại diện địa phương đứng ra thu mua?Nông dân hiện nay, nhất là nông dân các tỉnh phía Nam hàng năm sản xuất ra lượng lúa, cà phê hay muối khá lớn. Do điều kiện kinh tế và kho bãi không có nên nông dân không thể tích trữ, chờ giá lên mới bán mà phải bán ngay. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối thu mua lương thực có hệ thống kho bãi, phương tiện… nên là đơn vị có điều kiện nhất để mua hàng tạm trữ cho nông dân. Vấn đề ở đây là cơ chế của Nhà nước như thế nào để khi doanh nghiệp thu mua hàng tạm trữ thì không chỉ nông dân mà doanh nghiệp cũng phải có lãi. Trong cơ chế thị trường, giá cả các mặt hàng khá rõ ràng, khi giá lên thì không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng được hưởng lợi và ngược lại. Nếu giá có lên có xuống thì không nói làm gì, nhưng nếu giá đang trên đà đi xuống, khi mua vào doanh nghiệp kinh doanh thường phải tính toán, chờ đợi khi giá xuống thấp nhất mới mua. Tuy nhiên, vì chính sách điều tiết thị trường của Nhà nước là “cắt” đà giảm giá nên doanh nghiệp tiếp tục phải mua vào. Không những vậy, còn phải mua theo giá Nhà nước khuyến cáo nên nguy cơ thua lỗ khá cao. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp thu mua ngoài điều kiện kho bãi thì rất cần được Nhà nước hỗ trợ bằng chính sách cho vay vốn hoặc hỗ trợ lãi suất kịp thời, nhanh gọn.Thế nhưng, đây dường như lại là điểm yếu trong cơ chế chỉ đạo thu mua hàng tạm trữ hiện nay. Nông dân khi bán sản phẩm cho doanh nghiệp thực hiện chính sách thu mua tạm trữ thường có tâm lý muốn được trả tiền ngay, trong khi doanh nghiệp thu mua tạm trữ thiếu vốn. Nếu không trả tiền ngay cho nông dân thì phức tạp, nhưng sau khi mua mà giá cả nông sản đi lên thì còn  phức tạp, rắc rối hơn.Hiện nay, do đang rất thiếu vốn kinh doanh, nên các doanh nghiệp không mặn mà việc thu mua hàng tạm trữ. Và nếu phải tham gia thì phương án ưa thích là mua qua các đại lý, tư thương. Vì theo cách này, các doanh nghiệp đỡ vất vả hơn mà lại còn được chậm trả tiền; doanh nghiệp chỉ cần đứng sau, thu mua, làm xong các thủ tục thì sẽ trả cho đại lý. Thế nhưng biện pháp này lại làm chính sách mua hàng tạm trữ bị méo mó, biến dạng…Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách thu mua tạm trữ nông sản hiện nay, ngoài việc quyết định phương án giao nhiệm vụ thu mua hàng tạm trữ cho Hiệp hội Lương thực hay các địa phương, Nhà nước cần hỗ trợ phần nào cho  các doanh nghiệp, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, cho nâng cấp năng lực kho bãi dự trữ. Chỉ khi có điều kiện kho bãi phân bố đảm bảo hợp lý, an toàn thì mới có cơ sở để thực thi hiệu quả chính sách tạm trữ. Bên cạnh đó, khi đưa ra chính sách thu mua tạm trữ, Nhà nước cũng cần đẩy mạnh giám sát, đảm bảo dù ai đứng ra thu mua thì nông dân là người được hưởng lợi nhất từ chính sách này.

Nguyễn Hải