(Baonghean) - Phiên họp ngày 20/11, Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Quốc hội. Nghị trường cũng được hâm nóng sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo trình bày Đề án đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông. Đây là những vấn đề được cử tri tỉnh Nghệ An theo dõi và chú ý.
Lo ngại lợi ích nhóm
Trình bày Đề án tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho rằng, đây là một công việc mang tính khoa học liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ và khoa học giáo dục khác nhau. Ở các nước có nền giáo dục phát triển, công việc này được làm một cách chuyên nghiệp do các Viện nghiên cứu chương trình sách giáo khoa thực hiện. Ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có đội ngũ chuyên gia, chuyên nghiệp và bộ máy, tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về chương trình sách giáo khoa. Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cách làm sách của Việt Nam lâu nay là huy động các nhà giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia thâm gia biên soạn chương trình sách giáo khoa. Chính vì vậy, tại kỳ họp lần này, ông Phạm Vũ Luận đề xuất giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ sách, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ sách giao khoa khác.
Trên tình thần đó sẽ tạo ra cơ chế xã hội hóa trong việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa phục vụ giáo dục phổ thông. Nhiều ý kiến cho rằng, khi có sự tham gia biên soạn, viết sách của nhiều nhóm, tập thể, tổ chức thì sẽ tạo ra được những bộ sách có chất lượng tốt, đa dạng giúp các cơ sở giáo dục có nhiều cơ hội để lựa chọn các bộ sách đáp ứng tốt nhu cầu. Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng, việc Bộ GD&ĐT cùng tham gia biên soạn sách giáo khoa cùng với các nhóm, tập thể khác, liệu có bình đẳng hay chăng. Bình đẳng về việc một bên dùng nguồn ngân sách của Nhà nước, bên kia phải tự bỏ tiền đầu tư. Và điều này liệu có thỏa mãn được tính chất đổi mới việc làm sách giáo khoa của Đề án. Nhưng Nhà giáo ưu tú Phạm Huy Đức, nguyên Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An không nghĩ như vậy.
Ông Đức hoàn toàn đồng ý với chủ trương của Bộ GD&ĐT trong việc thực hiện đổi mới sách giáo khoa theo hướng 1 chương trình nhiều bộ sách. Ông Phạm Huy Đức cũng khẳng định: Có nhiều ý kiến cho rằng, Bộ không nên đứng ra biên soạn SGK, mà chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, tôi rất lo điều này. Vì nếu Bộ không biên soạn 1 bộ sách thì dễ xảy ra trường hợp không đủ sách giáo khoa cho học sinh. Bởi lẽ các môn học như : Toán, Tiếng Việt có thể nhiều tổ chức tham gia biên soạn. Nhưng ai, đơn vị nào sẽ đứng ra biên soạn các môn như: giáo dục thể chất, mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, giáo dục công dân.
Khi đã trao quyền tự do làm sách cho các tổ chức, cá nhân thì họ thấy môn nào, sách nào có lợi thì làm, không có lợi thì không biên soạn. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT phải cùng tham gia biên soạn. Để tránh việc mất bình đẳng giữa Bộ GD&ĐT và các đơn vị, nhóm, tập thể khác, Bộ Giáo dục có thể giao nhiệm vụ biên soạn cho các nhà xuất bản. Trên cơ sở đó, nhà xuất bản sẽ huy động, tập hợp các nhà khoa học, giáo viên có kinh nghiệm làm sách giáo khoa. Về nguồn kinh phí cũng nên giao cho nhà xuất bản chủ động. Sau khi sách hoàn thành, được thẩm định sẽ bán cho ác cơ sở giáo dục và thu hồi vốn đầu tư.
Nhiều cử tri cũng tỏ ra rất quan ngại trong việc: dù đã mở rộng đối tượng tham gia biên soạn sách trên tinh thần xã hội hóa, song Hội đồng thẩm định cuối cùng vẫn là Bộ GD&ĐT. Liệu có xảy ra trường hợp Bộ GD&ĐT vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Thầy giáo Hoàng Văn Hưng ở thị xã Cửa Lò cho rằng, vấn đề “vừa đá bóng, vừa thổi còi” là có thể xảy ra nhưng cử tri không nên quá lo lắng bởi một mình Bộ Giáo dục & Đào tạo không thể quyết được việc này mà còn có sự chỉ đạo của Chính phủ và sự giám sát của Quốc hội. Nên khi thành lập một Hội đồng thẩm định thì còn có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, ngành và hiệp hội cũng như các tầng lớp trí thức khác nữa. Về những ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc Hội, thầy giáo Hùng cho rằng, sẽ không có chuyện lợi ích nhóm trong đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa. “Tôi mong muốn Quốc Hội sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát và thông qua đề án này đồng thời sớm đưa đề án vào triển khai trong thực tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục”, thầy giáo Hùng mong muốn.
Qua theo dõi kỳ họp, Tiến sỹ Nguyễn Thái Tự, một nhà giáo, nhà khoa học giàu tâm huyết với nền giáo dục nước nhà khẳng định rằng, về mặt lý thuyết thì một quốc gia có nhiều bộ sách giáo khoa do các tập thể hay cá nhân biên soạn là quá hay, quá đúng và được các nước phát triển áp dụng từ lâu nay. Điều này đã tận dụng được tâm huyết và trí tuệ của tập thể vào việc biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, vấn đề là phải có “minh chủ” để đứng ra tập hợp lực lượng, thẩm định sách giáo khoa. Chương trình và nội dung sách giáo khoa phải được thẩm định chặt chẽ, kỹ càng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của ngành giáo dục, đến nhiều thế hệ người dân Việt Nam.
Nhận xét về những ý kiến của các đại biểu Quốc Hội tại phiên thảo luận, Tiến sỹ Nguyễn Thái Tự khẳng định rằng: “Có rất nhiều ý kiến tốt, dám nói thẳng, nói thật và góp ý trực tiếp, tất cả vì sự hưng thịnh của nền giáo dục nước nhà. Bộ giáo dục cần phải cân nhắc, nghiên cứu và lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như của các tầng lớp nhân dân khác nhau trước khi thực hiện việc thay đổi chương trình và sách giáo khoa. Hi vọng rằng, những ý kiến có tâm, có tầm trên sẽ trực tiếp góp phần vào sự hưng thịnh của nền giáo dục nước nhà.”
Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) - cơ hội "mở" cho người lao động.
Một trong những nội dung quan trọng của trong phiên họp ngày 20/11 là Quốc Hội thông qua Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với tỷ lệ tán thành hơn 71% dù trước đó vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí đề nghị không thông qua dự án luật tại kỳ này. Luật gồm 9 chương, 125 điều; dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Theo đó, cách tính lương hưu hàng tháng được sửa đổi theo hướng tăng dần số năm đóng.
Cụ thể, từ 1/1/2018, mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm với lao động nữ và 16 năm với lao động nam. Với lao động nam, từ năm 2019 mức này tương tứng với 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Ngoài ra, mức bình quân lương hàng tháng để tính lương hưu của khu vực công cũng được điều chỉnh theo lộ trình. Cụ thể, tính bình quân 15 năm cuối từ khi luật có hiệu lực thi hành 1/7/2015 đến 31/12/2019; từ 1/1/2020 đến 31/12/2024 tính bình quân của 20 năm cuối; từ 1/1/2025 trở đi tính bình quân của toàn bộ thời gian.
Khu vực kinh tế tư nhân đang thực hiện quy định tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu. Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng mở rộng thêm 2 đối tượng tham gia bảo hiểm xã bắt buộc gồm: người lao động có hợp đồng lao động 1-3 tháng và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng được giao thêm chức năng thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Về chế độ thai sản, lao động nữ được nghỉ việc khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi cứ mỗi con người mẹ được thêm 1 tháng. Người chồng cũng được nghỉ 5 ngày khi vợ sinh thường và 7 ngày nếu vợ sinh mổ và sinh non. Trường hợp vợ sinh đôi, thì chồng được nghỉ 10 ngày, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày...
Đa số các cử tri của tỉnh Nghệ An đều cho rằng dự thảo luật sửa đổi lần này mang tính nhân văn hơn. Đặc biệt, việc nhận tiền tử - tuất sẽ linh hoạt hơn trước, có thể nhận hàng tháng hoặc nhận 1 lần tùy theo từng đối tượng và đối tượng được nhận tiền tử tuất thêm chủ động lựa chọn hình thức nhận. “Tôi mừng vì dự luật cho phép mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, có lợi cho người lao động hơn. Đặc biệt, hiện nay, lực lượng cán bộ không chuyên trác ở các xã, phường cũng sẽ có cơ hội đóng bảo hiểm xã hội. Đây thực sự là niềm vui đối với hàng triệu cán bộ không chuyên trách trong cả nước”, cử tri Lê Thị Vân ở phường Hưng Dũng chia sẻ.
Mặc dù các cử tri đều theo dõi sát sao nội dung của phiên họp ngày 20/11, tuy nhiên, vì chưa có văn bản chính thức cũng như hướng dẫn thi hành, nhiều cử tri chưa tiếp cận được Dự thảo Luật sửa đổi từ trước nên nhiều cử tri vẫn cảm thấy mơ hồ. Các cử tri mong muốn cơ quan chức năng sẽ sớm thực hiện việc tuyên truyền về Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, đây cũng chính là việc làm thiết thực để triển khai văn bản luật áp dụng vào thực tiễn.
Đ.Tuấn - N.Khoa