Bảo vệ phát huy 2.598 di tích
Năm qua, ngành tích cực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị 2.598 di tích, danh thắng đã được kiểm kê trên địa bàn tỉnh, đồng thời làm tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng, phục hồi, tôn tạo, tu bổ, cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích. Tiêu biểu, năm 2017 trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng thêm 1 Di tích Quốc gia đặc biệt (đình Hoành Sơn, huyện Nam Đàn); trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng 5 di tích cấp Quốc gia; UBND tỉnh xếp hạng 32 di tích cấp tỉnh.
Năm 2017, sở, ngành tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh đến năm 2030 và hy vọng đây sẽ là cú hích mới để thúc đẩy phong trào dân ca ví, giặm tiếp tục lan tỏa trong đời sống.
Công tác thể chế hóa, xây dựng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là nguồn lực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa trong khi công tác xã hội hóa ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm, chú trọng. Thiết chế văn hóa ở cơ sở cơ bản thực hiện tốt, nhiều địa phương đã đưa ra các giải pháp cụ thể để xây dựng thiết chế hiệu quả như huyện Nghi Lộc, Đô Lương, Cửa Lò...
Đầu tư cho thể thao vẫn còn thấp so với nhu cầu
Trong năm 2017, phong trào thể thao quần chúngphát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng. Năm qua ngành cũng đã tổ chức thành công Đại hội TDTT các cấp năm 2017-2018, trong đó đã chỉ đạo hoàn thành Đại hội thể dục thể thao cấp cơ sở (480/480 xã, phường, thị trấn và 21/21 huyện, thành, thị).
“Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển chưa đều, chưa khai thác tối đa các thế mạnh của các địa phương. Thành tích các môn thể thao thành tích cao chưa ổn định và không đồng đều. Công tác quản lý đối với các cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao ngoài công lập một số địa phương chưa chặt chẽ.” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định.
Cần nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Thông cho rằng: Những kết quả đạt được của ngành trong năm qua là rất đáng ghi nhận, nhưng ngành cũng cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, tồn tại như báo cáo đã nêu để đưa ra những giải pháp đột phá nhằm tạo sự chuyển biến hơn nữa trong thời gian tới.
Để đạt được các tiêu chí được nêu tại báo cáo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND yêu cầu ngành cần tiếp tục công tác cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, trọng tâm là những vi phạm trong tổ chức và quản lý lễ hội, tu bổ, tôn tạo di tích, cấp phép biểu diễn nghệ thuật, quảng cáo, dịch vụ văn hóa, dịch vụ thể thao…
Bên cạnh đó cần quan tâm bảo tồn các giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản của tỉnh nhà nói riêng để di sản văn hóa thực sự được lưu giữ, bảo vệ phát huy bền vững.
Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; quan tâm đến các phong trào thể thao quần chúng.
Đặc biệt chú trọng hơn chất lượng và hiệu quả tuyên truyền nhằm tạo được dấu ấn riêng về truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của xứ Nghệ.