LTS: Sau khi báo Nghệ An đăng bài viết "Thuốc bảo vệ thực vật và những hệ lụy", ra ngày 19/10/2011, báo đã nhận được ý kiến của bà Nguyễn Thị Đào - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An.
Thực tế ở cơ sở hiện nay, khi có sâu bệnh hại bùng phát thì nhu cầu sử dụng thuốc BVTV của người nông dân nhiều, dẫn đến xuất hiện một số hộ kinh doanh thuốc BVTV nhỏ lẻ tại các xóm, thậm chí là ở các chợ. Khi bệnh hại cây trồng bùng phát thì cơ quan BVTV đang tập trung lo dự tính, dự báo và phòng trừ, trong khi đó chính quyền địa phương lại chưa vào cuộc quyết liệt mà ỷ lại cho chuyên ngành, do đó nhiều loại thuốc có hàm lượng độc tố cao, có tính đặc hiệu, hiệu lực ít thường được đưa vào sử dụng, ảnh hưởng đến vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe của nhân dân và bảo vệ môi trường. Có lúc cơ quan chức năng kiểm tra được nhưng vì cơ bản các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tự phát đều có mối quan hệ anh em, bà con với nhau trong xóm, xã nên khi kiểm tra đều đã được thông tin để đóng cửa. Cũng có trường hợp một số hộ kinh doanh vì lợi ích của mình tuy đã được cơ quan chức năng cung cấp các loại thuốc có trong danh mục nhưng vẫn bán một số thuốc ngoài khuyến cáo, lựa chọn của ngành để thu lợi nhuận cao hơn.
Để quản lý thuốc BVTV một cách có hiệu quả, hạn chế được những hệ lụy của nó đối với sức khỏe, môi trường, điều quan trọng là cấp huyện và xã cần phải vào cuộc thực sự trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như khuyến cáo bà con sử dụng đúng thuốc và thực hiện đúng quy trình phun thuốc an toàn. Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra các địa điểm kinh doanh thuốc trên địa bàn, đảm bảo quản lý chặt việc mua bán, kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn mình. Các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu để bố trí cán bộ phụ trách mảng BVTV xuống tận các thôn, xóm, bản và nâng cao chế độ, chính sách cho đối tượng này.
Hiện tại, ở các Ban Khuyến nông xã đều bố trí một cán bộ phụ trách công tác bảo vệ thực vật, song, đội ngũ này do các xã tuyển dụng, lại chủ yếu là từ các ngành, nghề khác không có chuyên môn, cho nên không tạo sự gắn kết trách nhiệm đối với nhiệm vụ mà ngành BVTV đặt ra, vừa không có chuyên môn, chuyên ngành để có thể đảm đương nhiệm vụ.
Về chế độ cho số cán bộ này, bình quân khoảng 180 nghìn đồng/tháng/người, chưa tạo được động lực cho họ làm việc, thậm chí khi cán bộ ngành BVTV xuống yêu cầu cán bộ phụ trách BVTV ở cơ sở đi thăm đồng họ còn "trốn" không tham gia. Bên cạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, cơ quan chuyên môn, về phía người dân cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình để mua và sử dụng đúng thuốc theo hướng dẫn, đồng thời áp dụng phun bơm đúng kỹ thuật, tránh sử dụng theo kinh nghiệm, bởi ở từng giai đoạn sinh trưởng của sâu hại yêu cầu kỹ thuật khác nhau mà người dân không thể biết được.
Trong trường hợp nếu sử dụng thuốc không theo hướng dẫn của cơ quan BVTV thì không những hiệu quả không cao, thậm chí còn làm lây lan, bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân, môi trường sinh thái.