(Baonghean) - Thời gian qua, 21 hộ dân xã Lạc Sơn (Đô Lương) đã gửi đơn khiếu kiện đi khắp nơi để yêu cầu các cấp chính quyền xác minh lại hồ sơ chuyển nhượng đất tại khu vực Bàu Kịnh cho bà Nguyễn Thị Hồng và bà Nguyễn Thị Kim Liên nhằm thực hiện dự án Khu Đô thị mới Thiên Lý. Vụ việc này đã được tòa án xử sơ thẩm, và vì một vài lý do khách quan nên vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Hiện nay, tại thửa đất đã được chuyển nhượng nhiều hộ dân đã nuôi trồng thủy sản. Để thông tin rõ hơn về vấn đề này, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trương Thị Tuyết - Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Lạc Sơn.

P.V:Thưa đồng chí, vấn đề 21 hộ dân ở xã Lạc Sơn khiếu kiện về vụ việc chuyển nhượng đất cho Công ty xây dựng dịch vụ An Thiên Lý mà đại diện là hộ bà Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Thị Kim Liên đã được địa phương xử lý như thế nào?

Đồng chí Trương Thị Tuyết:Vụ việc đã xảy ra 8 năm, hồi ấy tôi chưa làm Chủ tịch UBND xã, nhưng qua hệ thống văn bản mà tôi được tiếp nhận và qua những cuộc họp thường vụ, được biết đây là vụ việc khá phức tạp, và đến bây giờ người dân vẫn tiếp tục kiến nghị qua các lần tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh và huyện.

images1672078_bna_57c6374873cfc.jpgTại khu đất Bàu Kịnh một phần diện tích đã bỏ hoang suốt 10 năm.

Bắt đầu từ việc Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ An Thiên Lý là doanh nghiệp từ thành phố Hồ Chí Minh về đầu tư dự án Khu Đô thị mới Thiên Lý tại huyện Đô Lương theo chương trình hợp tác phát triển KT - XH giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An. Vị trí mà công ty được phê duyệt nằm tại khu đất Bàu Kịnh.

Để có đủ diện tích công ty cần sự chuyển nhượng 34 thửa đất của 21 hộ dân có đất nông nghiệp tại vị trí này. Do có tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến việc chuyển nhượng đất đai giữa 21 hộ dân với cá nhân bà Nguyễn Thị Hồng và bà Nguyễn Thị Kim Liên (là hai người thân của chủ đầu tư Công ty xây dựng dịch vụ An Thiên Lý), nên sau 8 năm dự án vẫn chưa được triển khai.

Việc khiếu kiện xảy ra khi 21 hộ dân này cho rằng đất tại Bàu Kịnh đã bị sử dụng sai mục đích nếu chính quyền cho xây dựng khu đô thị mới. Cũng trong các đơn kiện các hộ cho rằng họ chưa ký chuyển nhượng 34 thửa đất này. 

Vụ việc có tổng cộng hơn cả chục văn bản từ tỉnh đến huyện chỉ đạo giải quyết kể từ năm 2011.

P.V: Về sự việc người dân cho rằng 34 bộ hồ sơ đã chuyển nhượng cho hộ bà Hồng bà Liên bị “ký khống”, địa phương có ý kiến gì xung quanh vụ việc này, thưa đồng chí?

Đồng chí Trương Thị Tuyết: Lại nói về việc chuyển nhượng, theo các văn bản được lưu trữ, năm 2006 - 2007 bà Nguyễn Thị Hồng và bà Nguyễn Thị Kim Liên đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cuả 21 hộ gia đình, cá nhân tại khu đất vùng Bàu Kịnh, xã Lạc Sơn, với tổng diện tích 61.361m2.

Trong số 34 thửa đất của 21 hộ, cá nhân đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Hồng và bà Nguyễn Thị Kim Liên thì chỉ có 3 thửa đất là thực tế trồng hai vụ lúa, có tổng diện tích là 1.349m2, trong đó có 31 thửa đất là đất nuôi trồng thủy sản, 3 hợp đồng ghi mục đích sử dụng là đất trồng cây hằng năm. 

Một số diện tích đất hồ đang được người dân nuôi trồng thủy sản.

Cũng theo Kết luận 111/ KL - UBND.KT, trong số 21 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà 21 hộ gia đình, cá nhân ký với bà Nguyễn Thị Hồng và bà Nguyễn Thị Kim Liên thì có 15 hợp đồng ký vào năm 2006 và 6 hợp đồng ký vào năm 2007.

Việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện theo Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/BTP - BTNMT ngày 13/6 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc công chứng và chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn đối với hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất. Như vậy, 21 hộ gia đình, cá nhân nêu trên đã thoả thuận ký hợp đồng chuyển nhượng QSD đất cho bà Nguyễn Thị Hồng và bà Nguyễn Thị Kim Liên theo Bộ luật Dân sự năm 2005. 

Tuy nhiên trường hợp hộ gia đình, cá nhân nêu trên có tranh chấp về Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011 mà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND huyện Đô Lương và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

P.V:Vậy trước ý kiến của công dân cho rằng UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2899/QĐ-UBND.KT hủy các Kết luận số 30/KL-UBND.KT và 111/KL-UBND.KT nhưng chính quyền địa phương không căn cứ nội dung quyết định trên để giải quyết, đồng chí có những cách tuyên truyền như thế nào để người dân yên tâm chờ xét xử công minh của tòa án?

Đồng chí Trương Thị Tuyết:Thực tế sau khi UBND tỉnh ban hành Kết luận 30/ KL - UBND.KT về việc thu hồi 34 Giấy chứng nhận QSD đất đã được 21 hộ dân chuyển nhượng cho bà Liên, bà Hồng chúng tôi cũng đã được sự chỉ đạo của huyện để giải quyết những vấn đề sau kết luận, và đã làm tốt công tác yên dân.

Thế nhưng không lâu sau lại nhận được Kết luận 111/ KL - UBND.KT hủy nội dung của Kết luận 30/KL - UBND.KL, yêu cầu địa phương xác minh lại nguồn gốc đất đai của 34 Giấy CNQSD đất này, và chúng tôi cũng đã được huyện chỉ đạo phối hợp làm tốt những yêu cầu Kết luận 111/ KL - UBND.KT. Thế nhưng ngay sau khi kết luận này được ban hành thì những công dân đã thực hiện việc chuyển nhượng cho hộ bà Hồng, bà Liên lại khiếu kiện.

Và mới đây nhất chúng tôi lại nhận được Quyết định số 2899/QĐ-UBND.KT hủy cả hai kết luận trên. Trước sự việc này chúng tôi cũng đang chờ cấp trên chỉ đạo để có hướng giải quyết. Còn nội dung về việc ký chuyển nhượng mà các hộ đang khiếu kiện ra tòa, các hộ sẽ sớm nhận được kết quả phán quyết của tòa.

Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về việc sử dụng và khai thác đất đai trên địa bàn. Đặc biệt đối với vùng Bàu Kịnh chúng tôi đang tích cực tuyên truyền để người dân giữ nguyên hiện trạng đất đai, chờ phán xét của tòa án.

P.V: Cảm ơn đồng chí!

Ông PHAN ĐÌNH TỨ - Bí thư, xóm trưởng xóm 2, xã Lạc Sơn:

 “Chúng tôi mong muốn được sáng tỏ hai vấn đề đó là chính quyền xã cần minh bạch hóa việc chuyển nhượng hơn 12.000 m2 đất công ích trên địa bàn xã cho Doanh nghiệp An Thiên Lý. Thứ hai là tại sao sau khi có Quyết định 2899/QĐ-UBND.KT, chính quyền địa phương chưa triển khai các nội dung có trong quyết định này. Chúng tôi mong muốn người làm sai theo quy định của pháp luật phải được đưa ra xét xử. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có văn bản để trả lại đất sản xuất cho 21 hộ dân xóm 2. Vì thực tế phần lớn đất Bàu Kịnh đã bị bỏ hoang suốt từ 10 năm nay...”

Ông HOÀNG ĐÌNH DŨNG - Nguyên Chủ tịch UBND xã Lạc Sơn; Phó Chủ tịch HĐND xã

“Ban đầu ông Nguyễn Cảnh Hà - Giám đốc Công ty An Thiên Lý muốn được đầu tư dự án nuôi trồng thủy sản. Nhưng sau này khi doanh nghiệp muốn được chuyển đổi mục đích sử dụng lô đất Bàu Kịnh để xây dựng khu đô thị mới. Ngoài các quy trình hành chính cần thiết UBND xã đã lấy ý kiến của người dân. Còn về việc 21 hộ dân chuyển nhượng đất cho hai hộ bà Hồng, bà Liên chính quyền đã có chứng kiến việc chuyển nhượng của 14 hộ với giá tiền 500.000 đồng/sào và đã có chữ ký hai bên. Còn 7 hộ còn lại họ tự sang nhà bà Hồng bà Liên để chuyển nhượng trực tiếp mà không có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, và giá chuyển nhượng bao nhiêu chúng tôi cũng không được biết.

P.V

TIN LIÊN QUAN