(Baonghean.vn) - Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật. Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng tại cuộc họp sáng nay (10/7).

1
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Ảnh: Văn Trường
Sáng 10/7, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các Sở, ngành, địa phương liên quan để hoàn thiện phương án Bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa được cấp phép. Tham dự gồm đại diện của Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh …

Ông Nguyễn Ngọc Võ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường trình bày dự thảo Bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa được cấp phép. Địa bàn Nghệ An hiện có 150 giấy phép khai thác khoáng sản đang hoạt động. Tuy nhiên, thời gian qua công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn bộc lộ nhiều hạn chế, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra trên địa bàn làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường; ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu là do các ngành, chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm được giao trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; chưa kịp thời phát hiện, tổ chức lực lượng kiên quyết ngăn chặn dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; việc xử lý đối với các hành vi vi phạm còn chưa nghiêm.

Nhằm chấn chỉnh lập lại trật tự, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa được cấp phép địa bàn tỉnh, UBND tỉnh công khai quy hoạch khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt, khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực chưa cấp phép.

Đối tượng khoáng sản chưa khai thác cần được bảo vệ là khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được quy hoạch theo Quyết định số 51/2015/QĐ - UBND ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh. Cụ thể: Các khu vực thuộc khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản, các khu vực mỏ chưa được phát hiện điều tra, chưa đưa vào quy hoạch …

Các Sở, ngành cần đột xuất kiểm tra các khu vực khai thác khoáng sản có phép và trái phép tại các địa phương theo thẩm quyền để xử lý kịp thời. Đối với cấp huyện, xã, cần thành lập Ban chỉ đạo khoáng sản do đồng chí Chủ tịch UBND huyện, xã làm trưởng ban để kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền.

Theo định kỳ, các sở, ngành phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn khu vực khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trình UBND tỉnh để đưa vào khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Sau khi nghe lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường, trình bày dự thảo, lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương đã có nhiều ý kiến góp ý liên quan đến vấn đề quy hoạch, đối tượng khoáng sản chưa khai thác cần bảo vệ, thực trạng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, phương án và trách nhiệm cụ thể của các Sở, ngành, địa phương...

Khai thác cát ở Nghĩa Đồng (Tân Kỳ). Ảnh tư liệu

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sau hội nghị lấy ý kiến phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, đề nghị các Sở, ngành, các địa phương cần phối hợp để xây dựng phương án phù hợp bảo vệ khoáng sản chưa cấp phép.

Trong đó nhấn mạnh cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; Xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật. Xây dựng cơ chế phối hợp trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với địa phương liên quan ở khu vực giáp ranh để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép.

Sở Tài nguyên Môi trường theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện, chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung của phương án./.

Văn Trường

TIN LIÊN QUAN