(Baonghean.vn) - Năm 2011, huyện Kỳ Sơn bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, tổng giá trị hơn 240 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là về giao thông và trường học. Các tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, đứt gãy nhiều đoạn bị ngập lụt đất đá bồi lấp 1 - 2 m không đi lại được như: Tà Cạ - Mường Típ, Na Ngoi, Nậm Càn; Huồi Cả - Bắc Lý; Xiêng Thù - Bảo Thắng; Huồi Tụ - Keng Đu; Hữu Lập - Bảo Nam; Phà Xắc - Mỹ Lý. Nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi, trường học bị ngập nước... Hiện tại các tuyến đường giao thông đang được khắc phục, sửa chữa. Người dân Thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn hàng ngày vẫn chứng kiến hơn 5.000 học sinh, giáo viên đi học qua sông Nậm Mộ bằng chiếc cầu phao được huyện bắc tạm chờ cây cầu cứng đang xây dựng. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế mang tính tạm thời, vì đến tháng 3 - 4, nước sông dâng cao thì cầu phao này không thể sử dụng được. Trong khi tiến độ xây dựng cầu qua sông Nậm Mộ triển khai chậm vì không có kinh phí xây dựng.

Ông Ven Phò Xúc - Bí thư Đảng uỷ xã Bảo Nam kiến nghị: "Người dân huyện Kỳ Sơn mong muốn Nhà nước, Hội đồng nhân dân tỉnh cần có nghị quyết, cơ chế, chính sách đầu tư cho huyện miền núi xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để người dân đi lại, phục vụ sản xuất và con em đến trường".

Tuyến đường Tây Nghệ An đi qua địa bàn huyện Tương Dương, đường Yên Thắng- Hữu Khuông được đầu tư xây dựng nhằm xóa xã trắng về giao thông. Tuyến đường dọc sông Lam đến Thị trấn Hoà Bình do Sở GTVT làm chủ đầu tư trong tình trạng thi công chậm tiến độ do thiếu vốn. Chia sẻ vấn đề này, đồng chí Vi Hải Thành - Bí thư Huyện uỷ Kỳ Sơn có kiến nghị tới HĐND tỉnh: "Chính phủ nên có cơ chế đặc thù đối với các địa phương thuộc huyện nghèo được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Nhà nước cần ưu tiên vốn để tiếp tục đầu tư các công trình xây dựng cơ bản. Những công trình thiết yếu cần phải làm thì Nhà nước cần có cơ chế cấp vốn cho địa phương tiếp tục thực hiện, nhất là các công trình phòng chống bão lụt...".

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục là một trong những vấn đề cần được quan tâm ở địa bàn miền núi. Việc đầu tư cơ sở vật chất cho trường học còn thiếu đồng bộ, nhất là trang thiết bị; nhà ở bán trú cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ giáo viên tuy đủ về số lượng, đạt chuẩn về bằng cấp đào tạo, song, trên thưc tế nhìn chung chất lượng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đây là tình trạng chung đang diễn ra ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ở các huyện miền núi trong tỉnh.

Do điều kiện dân cư thưa thớt, số lượng học sinh ít nên nhiều vùng phải tổ chức lớp ghép, cả tỉnh hiện nay vẫn còn 97 trường, 347 lớp ghép. Riêng ở huyện Tương Dương có 24/26 trường tiểu học, phổ thông cơ sở có lớp ghép, gồm 123 lớp, trong đó 2 lớp ghép 3 trình độ. Việc phải tổ chức lớp ghép đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy và học. Huyện Kỳ Sơn có 33 trường tiểu học với 725 lớp, trong đó 111 lớp ghép của bậc tiểu học. Tổng số học sinh năm học 2011 - 2012 là 9.287 em. Ngoài ra, vì đặc điểm địa hình, Phòng GD&ĐT và các trường tiểu học huyện Kỳ Sơn phải bố trí giáo viên cắm bản tại 431 lớp học thuộc nhiều bản lẻ đặc biệt khó khăn.

Từ thực trạng này vấn đề cần quan tâm là phải chỉ đạo việc tổ chức dạy học lớp ghép như thế nào cho có hiệu quả.

Thanh Lê