(Baonghean) - Dự án “Phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động” thuộc Chương trình Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh được phê duyệt tại quyết định 504/QĐ-UBND ngày 27/2/2012. Qua hơn một năm thực hiện, mặc dù còn những khó khăn nhất định nhưng đã cho thấy những hiệu quả bước đầu…Dự án Phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động có mục tiêu: Tăng 10% số cơ sở sản xuất được giám sát, đo kiểm tra môi trường lao động; tăng trung bình hàng năm 5% cơ sở lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; Giảm 10% trường hợp người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp… Dự án được Sở Y tế, đơn vị chủ trì giao cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là đơn vị chủ trì thực hiện. Theo bác sỹ Lê Tuấn Anh - Trưởng khoa Sức khỏe nghề nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: “Ý thức của một số chủ doanh nghiệp trong việc chăm sóc sức khỏe cho người  lao động (NLĐ) còn thấp; NLĐ chưa được tiếp cận nhiều với kiến thức, biện pháp phòng chống bệnh nghề nghiệp (BNN), đặc biệt là tại các cơ sở, sản xuất nhỏ và vừa (chiếm khoảng 80% trên tổng số hơn 10.000 doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh). Bên cạnh một số ít cơ sở có đầu tư đổi mới về dây chuyền công nghệ sản xuất thì đại đa số các cơ sở nhỏ và vừa vẫn và đang sử dụng dây chuyền sản xuất công nghệ lạc hậu, thiếu duy tu bảo dưỡng. Đây là một trong những nguyên nhân phát sinh các yếu tố bệnh nghề nghiệp, dễ gây tai nạn lao động. Hầu hết các sơ sở sản xuất này chỉ quan tâm đến lợi nhuận, nên sẵn sàng tiết giảm các chi phí, trong đó có các chi phí cho công tác ATVSLĐ; không thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSLĐ.”

Cần quan tâm đến sức khỏe người lao động ảnh 1Khám sức khỏe cho công nhân Công ty Matrix Vinh.

Để triển khai dự án có hiệu quả, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã tập trung vào công tác truyền thông, tổ chức các lớp tập huấn công tác an toàn lao động tại các địa bàn tập trung nhiều cơ sở sản xuất như: Quỳ Hợp, Đô Lương, Quỳnh Lưu và Nghi Lộc với trên 100 doanh nghiệp tham gia. Đồng thời lựa chọn 18 cơ sở sản xuất lĩnh vực xây dựng, khai thác - chế biến khoáng sản để tiến hành kiểm tra, giám sát môi trường lao động. Qua đó, phát hiện một số tiêu chí sản xuất không đạt tiêu chuẩn cho phép như: nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ bụi, độ ồn…  Trên cơ sở những kết quả kiểm tra, giám sát, Trung tâm Y tế dự phòng khuyến nghị các doanh nghiệp có trách nhiệm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, nhắc nhở người lao động sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động khi làm việc để phòng chống bệnh nghề nghiệp, đồng thời yêu cầu chủ doanh nghiệp giải quyết chế độ bằng hiện vật với những lao động tiếp xúc với các chất độc hại theo đúng quy định. Công ty Trung Đô - Hoàng Mai, Công ty Cổ phần Than Khe Bố là một trong những đơn vị đã có cố gắng trong việc cải thiện điều kiện lao động sau khi có kết quả kiểm tra môi trường lao động…Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh và các trung tâm chuyên khoa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 615 lao động của 4 cơ sở sản xuất, lựa chọn 114 công nhân để tiến hành khám bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp và 46 công nhân viêm phế quản mãn tính nghề nghiệp... Hiện tại, Trung tâm đang lập hồ sơ đề nghị giám định bệnh bụi phổi Silic cho 7 công nhân để Hội đồng giám định y khoa tỉnh giám định, nếu công nhân nào mắc bệnh nghề nghiệp sẽ được hưởng chế độ trợ cấp: dưới 31% được hưởng trợ cấp một lần theo tỷ lệ thương tật, trên 31% được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam… Năm 2012, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh được Bộ Y tế cấp 405 triệu đồng để thực hiện dự án, năm 2013 được cấp 370 triệu đồng. Tuy nhiên, tỉnh ta có địa bàn rộng, số lượng các cơ sở sản xuất lớn nhưng lại hầu hết là các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý ATVSLĐ. Trong khi đó, lực lượng quản lý nhà nước, thanh tra nhà nước về lĩnh vực này còn mỏng nên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trong tương lai, khi các trung tâm y tế tuyến huyện, thành, thị xã đảm nhận công tác quản lý các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ thì việc kiểm tra, giám sát môi trường, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho NLĐ sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay, Trung tâm y tế tuyến huyện vẫn còn thiếu về con người và trang thiết bị cần thiết nên không thể đảm nhiệm tốt nhiệm vụ này, và đây là vấn đề cần được các cơ quan liên quan xem xét. Đồng thời, để công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe NLĐ tốt hơn, cần phải có cơ chế đủ mạnh buộc các chủ cơ sở sản xuất thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.

Bài, ảnh: Nhật Lân