(Baonghean) -Số lượng lao động người nước ngoài có mặt tại các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An đang có xu hướng gia tăng. Họ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan..., chủ yếu làm việc tại các mỏ khai thác khoáng sản.
 
Ngày 18/10, chúng tôi tìm vào khu vực mỏ khai thác đá trắng xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn. Anh Lang Quang Trung, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Châu Tiến cho biết: "Trên địa bàn xã hiện có nhiều lao động nước ngoài, họ sống và làm việc biệt lập tại nơi sản xuất". Chúng tôi hỏi số lượng người lao động nước ngoài là bao nhiêu? Anh Trung trả lời là chưa nắm chắc được...!

769949_small_67867.jpg

Lao động nước ngoài tại doanh nghiệp Đức Chính.

"Đại bản doanh" trên công trường của Công ty Wolkem India Ltd (Ấn Độ) liên doanh với Công ty Lam Hồng là những chiếc công-ten-nơ được sửa chữa lại thành các căn phòng làm việc và kho chứa hàng. Anh Myhesh Menaria, chuyên gia về đá, cho biết: "Tôi đã làm việc tại đây được một năm, cuộc sống rất dễ chịu. Tổng số các bạn đồng hương người Ấn Độ trong công ty là 12 người. Tuy nhiên, có thời điểm số lao động này có thể lên tới 20-30 người".
 
Còn tại UBND xã Châu Hồng, trước câu hỏi của chúng tôi về số lượng, thành phần lao động nước ngoài trên địa bàn, Chủ tịnh UBND xã Kim Văn Hường không đưa ra được con số chính xác, phải yêu cầu ông Sầm Ngọc Phòng, Trưởng Công an xã cung cấp số liệu. Ông Phòng cho biết: "Lao động nước ngoài đến làm việc ở Châu Hồng từ cách đây 2 năm. Mọi thủ tục, quy định về quản lý người tạm trú, tạm vắng, xã thực hiện rất nghiêm túc. Trong số hơn 20 doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại đây, nhiều doanh nghiệp có sử dụng người lao động nước ngoài. Hiện tại, Công ty Đức Chính sử dụng nhiều lao động nước ngoài nhất là 7 người Trung Quốc".
 
Chúng tôi tìm đến khu mỏ khai thác quặng thiếc của Công ty Đức Chính. Ông Nguyễn Công Thành, quản lý mỏ của Công ty Đức Chính cho biết: "Trước đây công ty có 7 người Trung Quốc lao động tại đây, nhưng hiện tại 4 người đã trở về nước, một người đi Hà Nội có công việc riêng, còn lại hai người". Trước thông tin đó, ông Sầm Ngọc Phòng, trưởng Công an xã rất ngạc nhiên, yêu cầu ông Thành phải có báo cáo UBND xã khi có biến động về người tạm trú, tạm vắng.
 
Ngày 20/10, Công an huyện Quỳ Hợp cung cấp cho chúng tôi số liệu người nước ngoài hiện có đăng ký tạm trú trên địa bàn huyện tính đến 30/9/2011 là 17 người. Chúng tôi cho rằng, con số này còn khá thấp so với thực tế. Miền Tây tỉnh Nghệ An, trong đó có huyện Quỳ Hợp là địa bàn giàu tài nguyên, khoáng sản, việc người nước ngoài đến lao động trên địa bàn ngày càng nhiều là dấu hiệu khởi sắc của các hoạt động đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, cùng với việc quản lý chặt chẽ tài nguyên, môi trường tránh thất thoát, lãng phí, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rất cần tăng cường các biện pháp quản lý lao động nói chung và lao động nước ngoài trên địa bàn một cách chặt chẽ, đúng pháp luật, góp phần bảo đảm an toàn trật tự xã hội, quốc phòng - an ninh.


Trần Hoài