(Baonghean.vn) - Đó là phát biểu của bà Hoàng Thị Quỳnh Anh - Phó GĐ Sở Văn Hóa & Thể thao trong Hội nghị giao ban công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích 2017 diễn ra vào chiều 21/8.
Tham dự buổi giao ban còn có các đại diện của Sở Văn hóa & Thể thao cùng với Ban Quản lý di tích, phòng Văn hóa, Trung tâm Văn hóa, cán bộ quản lý di tích đến từ 21 huyện, thị xã.
Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã đạt được nhiều thành quả. Các huyện, thành phố, thị xã cùng với với Ban Quản lý Di tích tỉnh đã có sự phối hợp hiệu quả, sâu sát trong việc chống xuống cấp, lập hồ sơ xếp hạng, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm và đón nhận bằng xếp hạng tại các di tích trên địa bàn tỉnh.
Trong 8 tháng đầu năm nay, Ban Quản lý di tích tỉnh đã tiến hành công tác tu bổ,cấp nguồn vốn bổ sung và khoanh vùng bảo vệ cho gần 40 di tích. Lập hồ sơ xếp hạng cho 35 di tích trong đó có 2 di tích trình xếp hạng cấp quốc gia và 33 di tích trình xếp hạng cấp tỉnh.
Đồng thời, trực tiếp quản lý và tổ chức hoạt động tại 3 di tích trọng điểm bao gồm: Nhà Tưởng niệm Nguyễn Thị Minh Khai, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Khu lưu niệm Phan Bội Châu tạo điểm nhấn trong công tác bảo tồn và phát duy giá trị các di tích tỉnh nhà.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được thì công tác này còn nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể, cán bộ đảm nhiệm công tác văn hóa ở cơ sở hạn chế về chuyên môn tu bổ tôn tạo di tích, kiêm nhiệm nhiều việc cho nên công tác kiểm tra giám sát và báo cáo cơ quan chuyên môn chưa kịp thời.
Một số trường hợp tự ý triển khai tu bổ tôn tạo mang tính tự phát không thực hiện theo quy định của nhà nước. Đội ngũ thợ thiếu kiến thức về công tác tu bổ nên trong quá trình tu bổ làm mất giá trị nguyên gốc của di tích hoặc sử dụng một số vật liệu không phù hợp với công trình kiến trúc cổ như: gạch men, bê tông cốt thép, màu sắc lòe loẹt, ngói tây…
Việc tu bổ không xin phép, không có sự hướng dẫn chuyên môn nên tại một số di tích xây dựng các công trình phụ trợ (nhà khách, nhà soạn lễ, nhà truyền thống…) ở vị trí không phù hợp, làm ảnh hưởng cảnh quan của di tích, lấn át các công trình gốc.
Công tác xếp hạng di tích trong 6 tháng đầu năm có nhiều vướng mắc. Cụ thể: vấn đề bài trí tại đền Độc Lôi - Nam Đàn, Đền Yên Mỹ - Đô Lương, đền Bản Thổ - Hoàng Mai…; thiếu kinh phí như đền Đức Thánh Mẫu - Yên Thành, đền Chiêng Ngam - Quỳ Châu; khó khăn trong khoanh vùng bảo vệ như Thẳm Nàng Màn - Con Cuông.
Bên cạnh đó, công tác bảo quản các tài liệu Hán Nôm tại các di tích chưa tốt, nhiều tài liệu bị hư hỏng nặng như đền Thanh Liệt, chùa chợ Hến (Hưng Nguyên), đền Hạ - Quỳnh Vinh, đền Bản Thổ - Quỳnh Trang…(Quỳnh Lưu)
Phát biểu tại buổi giao ban, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh đánh giá cao sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa các ban ngành cấp tỉnh và địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời gian qua. Đặc biệt tại các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương, Hoàng Mai, Tân Kỳ…công tác này đã được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao.
Đối với các vấn đề còn vướng mắc, không chỉ cần sự vào cuộc của các cấp, ban, ngành mà còn phải đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức trong nhân dân. Từ đó huy động tối đa nguồn đóng góp của người dân, nhất là nguồn xã hội hóa. Nếu làm tốt công tác này sẽ tạo đuợc bước đệm vững chắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích của tỉnh nhà./.
Thanh Quỳnh