(Baonghean) - Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Qua các diễn đàn hội thảo cho thấy, giới nghiên cứu trong nước cơ bản thống nhất nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như quan điểm của Đảng ta. Trong quá trình nghiên cứu góp ý Dự thảo Văn kiện trình đại hội XII của Đảng, chúng tôi cho rằng cần nhận thức đúng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để từ đó nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình phát triển ở nước ta.

Ngay từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới (1986), Đảng ta đã chủ trương “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ  chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Nhưng đến thập niên 1990, Đảng ta mới đưa ra vấn đề “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Thể chế này được xem là cơ chế quản lý kinh tế đặc thù của Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (2008) đã ban hành Nghị quyết số 21 về “Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được ghi vào Hiến pháp mới nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp năm 2013).

Chợ Vinh - điểm nhấn trung tâm thương mại Thành phố Vinh. Ảnh: Sỹ Minh

Dự thảo Báo cáo chính trị trình đại hội XII của Đảng đưa ra một định nghĩa đầy đủ về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như sau: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Dự thảo Báo cáo Chính trị xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đất nước là “Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Như vậy, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quan điểm nhất quán của Đảng ta trong đường lối đổi mới. Đây là một quan điểm khoa học dựa trên lý luận chủ nghĩa Mác- Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, do đây là một vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn lại chưa có tiền lệ trong lịch sử nên về quan điểm nhận thức vẫn có những điểm chưa thống nhất. Bởi vậy, trong Dự thảo Báo cáo chính trị nêu rõ: “Tiếp tục thống nhất nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. 

Nhiều người lầm tưởng rằng kinh tế thị trường chỉ gắn liền với chủ nghĩa tư bản, còn chủ nghĩa xã hội không có kinh tế thị trường. Quan niệm này xuất phát từ mô hình kinh tế tập trung bao cấp của Liên Xô và Đông Âu trước kia (khi chưa sụp đổ). Song, chính Liên Xô trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội do Lê-nin lãnh đạo đã có kinh tế thị trường. Theo lý luận của Lê-nin, chủ nghĩa xã hội là bước chuyển từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản. Trong thời kỳ quá độ này mô hình kinh tế là hỗn hợp, đan xen giữa kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể với kinh tế tư bản tư nhân. Chính Lê-nin đã đề ra chính sách kinh tế mới (NEP) theo đó Nhà nước cho phép một số thị trường tồn tại, các thành phần kinh tế hoàn toàn tự do đưa ra các quyết định kinh tế của mình. Sau khi Lê-nin mất, chính sách kinh tế mới đã bị xóa bỏ, thay vào đó là mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, khiến nhiều người lầm tưởng là chủ nghĩa xã hội không có kinh tế thị trường.

Có quan điểm cho rằng kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay tạo động lực mạnh mẽ cho đất nước phát triển, nhưng xét các đặc điểm chung thì không khác gì kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản. Chẳng hạn, kinh tế thị trường của các nước tư bản cũng phải “vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường”, cũng là “nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế”, và kinh tế thị trường các nước tư bản cũng có sự quản lý của nhà nước. Nếu  mục tiêu kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì ngày nay nhiều nước tư bản phát triển cũng đang hướng tới một xã hội giàu có và văn minh... 

Theo chúng tôi, để phản bác những quan điểm sai trái trên đây, Dự thảo Báo cáo chính trị cần làm rõ một số nội dung sau:

Một là, cần làm rõ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa có sự khác nhau về bản chất. Kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản và các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phục vụ lợi ích của đất nước và nhân dân. Kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa bóc lột ngày càng tinh vi, bất công xã hội ngày càng sâu sắc. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hướng tới xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Hai là, mục đích phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhằm phát triển lực lượng sản xuất, còn về lâu dài vẫn hướng tới hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Còn kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa phát triển lực lượng sản xuất nhằm duy trì lâu dài quan hệ sản xuất tư bản. Bởi vậy, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do nhân dân làm chủ, còn kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa do các tập đoàn tư bản toàn cầu làm chủ.

Ba là, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự thống nhất biện chứng giữa cái chung của kinh tế thị trường thế giới với cái đặc thù của kinh tế thị trường Việt Nam. Cái chung của kinh tế thị trường thế giới là tuân thủ các quy luật phổ biến của thị trường, cạnh tranh tự do và bình đẳng, chế độ đa sở hữu đan xen, hội nhập kinh tế toàn cầu… Đặc thù của kinh tế thị trường Việt Nam là phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đặt dưới sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo…

Những nội dung  trên đây cần được làm rõ để cán bộ, nhân dân nhận thức đúng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một phạm trù lịch sử, đặc trưng cho thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, hoàn toàn không phải là một khái niệm mơ hồ như một số người lầm tưởng. Phải nhận thức đúng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì mới kiên định quan điểm của Đảng ta: “đổi mới nhưng không đổi hướng”. 

TRẦN HỒNG CƠ