(Baonghean.vn) - Nhằm thu thập thông tin phục vụ cho việc thảo luận dự án Luật Tạm giữ, tạm giam sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 diễn ra vào tháng 10/2015, sáng 28/7, Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An do ông Phạm Văn Tấn - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát việc thi hành công tác tạm giữ, tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh.
Cùng tham gia đoàn khảo sát có đại diện Thường trực HĐND tỉnh, UBMTTQ tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Công an tỉnh.
Trại tạm giam Công an tỉnh bình quân mỗi năm tiếp nhận, bố trí giam giữ trên 4.000 lượt người. Trong đó lưu lượng thường xuyên 900 - 1.000 người, gồm người bị tạm giữ; bị can, bị cáo đang tạm giam; phạm nhân; người bị kết án tử hình, người chưa thành niên.
Tại cuộc làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Trại tạm giam Công an tỉnh đã khẳng định việc chấp hành pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo các văn bản hiện hành. Trại cũng đã đảm bảo đầy đủ các quyền và chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam như giáo dục, lao động, ăn, nghỉ, khám chữa bệnh theo quy định; đồng thời có nhiều biện pháp cải thiện điều kiện ở, sinh hoạt của người tạm giam, tạm giữ.
Tuy nhiên, thực tiễn việc áp dụng các quy định hiện hành về công tác quản lý tạm giữ, tạm giam đang đặt ra một số bất cập, vướng mắc. Nguyên nhân hệ thống pháp luật về quản lý tạm giữ, tạm giam đã lạc hậu, nhiều vấn đề bất cập không được hướng dẫn, giải thích kịp thời. Cơ sở vật chất bất cập theo quy định; lực lượng cảnh sát bảo vệ và quản giáo chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, cường độ làm việc cao. Trách nhiệm phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam chưa tốt. Hiện chưa có văn bản nào quy định mối quan hệ giữa cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam với các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án); với người tiến hành tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán...); với người tham gia tố tụng (người bào chữa) để bắt buộc các tổ chức, cá nhân phối hợp tốt. Chưa quy định trách nhiệm và các tài liệu cụ thể mà cơ quan tiến hành tố tụng phải cung cấp, chỉnh lý, bổ sung trong quá trình quản lý, giam giữ người bị tạm giữ, tạm giam...
Thông qua khảo sát, thay mặt đoàn khảo sát, ông Phạm Văn Tấn - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận đơn vị đã chấp hành khá nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý người tạm giữ, tạm giam. Chia sẻ với những khó khăn, bất cập đang đặt ra trong quá trình thực thi các quy định pháp luật, ông Phạm Văn Tấn đã tiếp thu đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của đơn vị để nghiên cứu, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với cơ quan soạn thảo dự án luật chỉnh lý, bổ sung để khi luật ban hành đáp ứng yêu cầu mà thực tiễn đặt ra, đặc biệt là giải quyết được các bất cập, vướng mắc.
Tiếp tục chương trình khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về tạm giữ, tạm giam, chiều 28/7, Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An do ông Phạm Văn Tấn - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc tại Công an tỉnh.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, hiện tại ngành đang quản lý có 1 trại tạm giam và 20 nhà tạm giữ ở Công an cấp huyện (trừ thị xã Hoàng Mai chưa có nhà tạm giữ). Nhìn chung, công tác quản lý tạm giữ, tạm giam thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật và thể hiện tính nhân văn, nhân đạo cao. Công tác tiếp nhận, phân loại giam giữ được thực hiện nghiêm túc; có biện pháp quản lý, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong và ngoài khu vực giam, giữ, hạn chế tình trạng người bị giam, giữ thông cung, trốn, tự sát; chế độ, chính sách của can, phạm nhân được thực hiện đầy đủ, kịp thời; an ninh, an toàn trại tạm giam, nhà tạm giữ được đảm bảo, góp phần phục vụ tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Tại buổi làm việc, Công an tỉnh đã làm rõ một số bất cập, vướng mắc về cơ sở vật chất như phòng, buồng giam, giữ còn thiếu so với quy mô và lưu lượng người được giam giữ; thiết kế nhà giam chưa phù hợp, chưa cân đối giữa yếu tố chống thông cung với yếu tố đảm bảo thông thoáng, vệ sinh môi trường. Trang thiết bị còn thiếu, lạc hậu. Hiện còn 69 buồng giam, giữ chưa có camera quan sát, số phòng đã được trang bị cũng đã hư hỏng nhiều. Các phương tiện kỹ thuật như máy quét vân tay, cổng từ, máy soi đồ vật, hàng rào điện tử, máy quay phim..., chưa được trang bị. Trình độ đội ngũ cán bộ chiến sỹ ở trại tạm giam, nhà tạm giữ còn bất cập, số được đào tạo đại học chính quy ít, chủ yếu là trung cấp, sơ học. Một số trình độ nghiệp vụ còn hạn chế. Tất cả các yếu tố trên làm ảnh hưởng đến công tác quản lý tạm giữ, tạm giam.
Đoàn đại biểu Quốc hội đã ghi nhận ý kiến thảo luận của nhiều đại biểu, khẳng định mô hình quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ cần phải do Công an địa phương quản lý theo mô hình hiện tại, chứ không nên chuyển cho Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý theo ngành dọc theo như luồng ý kiến trong quá trình lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Tạm giữ, tạm giam đang được xây dựng để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 10 tới. Điều cần quan tâm đưa vào dự án luật là cải tiến như thế nào để có hiệu quả hơn.
Một số đại biểu cũng cho rằng, cần xác định rõ về quy mô, thẩm quyền, biên chế các nhà tạm giữ ở cấp huyện trong dự án luật để phát huy các nhà tạm giữ này, tránh tình trạng cứ đẩy lên Trại tạm giam ở cấp tỉnh, gây quá tải. Số người bị tạm giam quá thời hạn còn nhiều nhưng chậm được giải quyết...
Mai Hoa