(Baonghean.vn) -  Tại phiên thảo luận tổ 2 chiều 11/12, các đại biểu HĐND TP Vinh và Hưng Nguyên đã tập trung thảo luận xung quanh 2 vấn đề: tình trạng giáo viên dôi dư và xã hội hóa giáo dục.

Có 9 ý kiến của các đại biểu, trong đó tập trung vào 2 vấn đề chính là dôi dư giáo viên và chủ trương xã hội hóa giáo dục.Hầu hết ý kiến đại biểu nhất trí với đánh giá, báo cáo, tờ trình của UBND, các ban HĐND tỉnh tại kỳ họp; đồng thời tập trung thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và sự điều hành của UBND tỉnh năm 2013; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.

Về vấn đề giáo viên dôi dư, đại biểu Cao Thị Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Định mức giáo viên của Nghệ An hiện nay là cao hơn so với nhiều tỉnh khác. Trong việc tính toán định mức và trong thực tế chưa đồng bộ. UBND tỉnh cần tiến hành rà soát số lượng hợp đồng giáo viên trong các đơn vị công lập và rà soát lại trong các bậc học xem thực tế thừa, thiếu thế nào. Đối với các đơn vị thiếu giáo viên bộ môn thì cũng phải cho hợp đồng nhưng phải báo cáo với UBND tỉnh. Đối với bậc mầm non thì đang còn thiếu 2.508 người và đưa vào hợp đồng để xin Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cấp nguồn kinh phí để hỗ trợ theo thông tư 09.

Đại biểu Nguyễn Xuân Sinh (TP Vinh) phát biểu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Xuân Sinh (TP Vinh) phát biểu ý kiến.

Hiện nay, tại 3 huyện 30a: Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn đang có 1.500 người dân tộc học Đại học chính quy theo hình thức thi tuyển ra trường nhưng vẫn chưa có việc làm. Vì vậy, trong chính sách cử tuyển, các cơ quan đơn vị cần bố trí việc làm cho đối tượng học cử tuyển, nếu không bố trí được thì phải tạo điều kiện cho các đối tượng liên hệ việc làm nơi khác.

Đại biểu Trần Xuân Trung (huyện Hưng Nguyên) cho biết: Về biên chế giáo viên, hiện nay chưa có một tiêu chuẩn nhất định để đánh giá là thừa hay thiếu. Nếu theo các thông tư 35 và 71 thì Hưng Nguyên đang còn thiếu 100 giáo viên. Mặt khác, do quy mô dân số giảm nên số trường, lớp giảm nhưng việc các môn học trong nhà trường tăng lên nên Hưng Nguyên vẫn đang thiếu giáo viên.

Về vấn đề xã hội hóa giáo dục, đại biểu Nguyễn Xuân Sinh, Chủ tịch UBND TP Vinh cho rằng: chủ trương xã hội hóa để xây dựng trường học nhưng phải trên mức thỏa thuận, tự nguyện thì phải có vận động. Dù dưới hình thức nào cũng là để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp để nâng cao chất lượng dạy và học. Vì thế, kiến nghị cho thu tiền xây dựng trường. 

Cũng vấn đề này, đại biểu Trần Xuân Trung đề nghị đánh giá nguyên nhân vì sao các chỉ tiêu chưa đạt. Trong đó, có một nguyên nhân chính là nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu là còn khó khăn. Như vấn đề xây dựng trường chuẩn quốc gia, chính sách kêu gọi xã hội hóa nhưng hiện nay người dân đang băn khoăn chủ trương này vì thực tế, việc xây dựng cơ sở vật chất là cần thiết nhưng không thể cào bằng được. Vì vậy, cần nghiên cứu lại chính sách vận động xã hội hóa để xây dựng trường học.

Đại biểu Trần Xuân Trung (Hưng Nguyên) phát biểu ý kiến.

Đại biểu Trần Xuân Trung chia sẽ thêm: Đối với cán bộ công chức cơ sở, hiện nay, công chức làm việc sự vụ nhiều hơn là công vụ, ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Vì vậy, cần nghiên cứu lại cơ chế chính sách để làm sao nâng cao chất lượng làm việc của cán bộ công chức. Bên cạnh đó, việc phân công công chức phụ trách nông nghiệp trong bộ phận địa chính xây dựng là không phù hợp. Vì không phải cán bộ địa chính nào cũng am hiểu nông nghiệp và bản thân  lĩnh vực địa chính cũng rất phức tạp nên thời gian chiếm rất nhiều. Vì thế, khó có thể đảm bảo chất lượng được.

Về vấn đề nguồn lực để hoàn thành chỉ tiêu, theo đại biểu Tôn Thị Cẩm Hà (HĐND tỉnh): Đầu tư cho phát triển văn hóa còn hạn chế nên chỉ tiêu chưa đạt được. Việc chạy theo chỉ tiêu để đến năm 2015 đạt được mục tiêu theo Nghị quyết XVII đề ra mà không cân đối được nguồn lực. Cần xem lại các chỉ tiêu văn hóa – xã hội có phù hợp không, và có đủ nguồn lực để hoàn thành không. Đánh giá sâu về nguồn lực để hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra.

Tin, ảnh:Phạm Bằng