(Baonghean) - Từ khi phong trào trồng và chăm, thi hoa phong lan rộ lên, lan rừng trở nên có giá, nhiều người dân ở huyện miền núi Con Cuông có thêm nghề 'săn" lan rừng mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, nghề này phát triển đang đe dọa đến sự tồn tại của các loài lan đặc hữu ở Pù Mát trong tự nhiên.
Anh Lô Văn Tạo, ở bản Trung Chính, xã Yên Khê là người có thâm niên gần 4 năm trong nghề “săn” lan rừng, bộc bạch: Thu nhập từ đi lấy lan rừng khá cao, mỗi tháng tôi đi lấy 4-5 lần, mỗi lần đi lấy cũng phụ thuộc vào may mắn, may thì được 9-10 cân bán được 1-1,5 triệu đồng người/ngày, tùy từng loại lan. Còn lại cũng được vài cân/ngày.
Lan rừng thường bám trên những thân cây lớn, nằm sâu trong những cánh rừng. Để lấy được những cành lan rừng phải trèo đèo lội suối rất vất vả. Đây cũng là nghề nguy hiểm, có khi rủi ro phải chịu thương tật cả đời. Lan rừng sống trên những cây đại thụ cao từ 15-20m, những người đi lấy lan rừng phải có kinh nghiệm trèo hái, không sợ độ cao.
Từ khi phong trào chơi lan rừng rộ lên cách đây vài năm, giá bán lan rừng từ vài chục nghìn đồng/kg đã tăng lên vài trăm nghìn đồng, thậm chí tiền triệu đồng mỗi kg tùy theo độ quý hiếm của từng loài. Chủ yếu các thương lái ở Vinh và các huyện lân cận đến tìm mua.
Anh Lô Hồng Vân ở bản Trung Chính, xã Yên Khê là người săn lan rừng về và ươm, tạo dáng để bán. Mỗi giò phong lan, anh Vân bán từ 200.000 đồng trở lên; có giò được tạo dáng tỉ mỉ, khách hàng trả giá trên 2 triệu đồng. Hiện trong vườn nhà anh có trên 10 giống lan khác nhau.
Mặc dù vậy, thời gian gần đây, việc người dân vào rừng săn lan quá nhiều đã khiến loài hoa đẹp và quý này ngày càng ít dần, người dân phải vào tận rừng già mới tìm được lan. Cộng với đó, khi tìm thấy lan, người dân không có ý thức bảo vệ mà đều vặt trụi, chặt cả cành cây chủ khiến, ảnh hưởng đến rừng nguyên sinh. Nếu không có biện pháp tuyên truyền, bảo vệ thì chỉ thời gian ngắn nữa, nhiều loài lan quý ở Pù Mát sẽ rơi vào tuyệt chủng.
P.V