Vi phạm pháp luật và kỷ luật đảng
Mọi công dân đều phải chấp hành chính sách pháp luật và bình đẳng trước pháp luật. Đó là điều hiển nhiên, tuy nhiên đã là cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị thì phải có ý thức chấp hành và thực thi pháp luật gương mẫu hơn, nghiêm túc hơn để tạo sức lan tỏa trong xã hội.
Nguyên tắc đầu tiên trong thi hành công vụ được quy định trong Luật Cán bộ, công chức là: “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”. Trong 19 điều đảng viên không được làm cũng quy định rõ đảng viên không được “làm những việc mà pháp luật không cho phép”,“lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ”...
Ấy thế nhưng, thời gian qua có không ít trường hợp, cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật dẫn đến bị cơ quan chức năng khởi tố và bị xử lý kỷ luật đảng. Như câu chuyện ở xã Phúc Thành (Yên Thành), do tự ý bán hơn 280 thửa đất trái thẩm quyền và thu về hơn 22 tỷ đồng, nhiều cán bộ trong đó có nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; nguyên Phó Chủ tịch UBND xã, kế toán trưởng; cán bộ địa chính xã này đã bị khởi tố về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Ngoài chịu trách nhiệm trước pháp luật, nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phúc Thành còn bị khai trừ khỏi Đảng
Những hành vi này không chỉ là biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đảng viên mà còn liên quan kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tác động xấu tới dư luận xã hội.
Trong năm 2018, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện, khởi tố 5 vụ, 18 bị can phạm tội về chức vụ; tham nhũng, tăng 1 vụ, 15 bị can so với cùng kỳ. Trong đó có 1 vụ, 4 bị can phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; 1 vụ, 1 bị can phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; 1 vụ, 4 bị can phạm tội “Giả mạo trong công tác”.
Siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ và những điều đảng viên không được làm ngoài việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về đạo đức, lối sống của từng cá nhân còn có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ để ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời những biểu hiện suy thoái hay những hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Sự việc hai cán bộ thuộc Đội Quản lý thị trường số 8 (thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An) bị Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an huyện Thanh Chương) ra Quyết định khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản (6 triệu đồng) của ông Vi Văn Hùng, một người hành nghề bốc thuốc nam mới đây là một ví dụ điển hình.
Số tiền sai phạm không lớn nhưng là bài học đau xót cho nhiều cán bộ, công chức trong thi hành công vụ cũng như của các cơ quan, đơn vị trong quản lý, giáo dục cán bộ, công chức. Bởi trên thực tế, ở một số nơi việc kiểm tra, giám sát không được thực hiện thường xuyên và kịp thời, nên khi phát hiện vi phạm đã quá muộn, không chỉ mất cán bộ, đảng viên mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.
Bên cạnh đó, một số trường hợp khi phát hiện các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức thì xử lý chưa nghiêm, thậm chí còn có dấu hiệu bao che, phong tỏa thông tin vì sợ ảnh hưởng đến thành tích, uy tín của tập thể.
Tuy nhiên, quan trọng nhất là mỗi cán bộ, công chức nhất là người đảng viên phải không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện và tự giác “nêu gương” trong việc chấp hành kỷ luật Đảng, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ và chính sách pháp luật của Nhà nước. Đừng tự biến mình thành một bộ phận không nhỏ những “công bộc của dân” suy thoái về đạo đức, lối sống, trở thành “những tấm gương mờ” bị quần chúng quay lưng, xã hội lên án...
Công chức vi phạm pháp luật được xử lý theo Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức. Các hành vi bị xử lý kỷ luật gồm:
1. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ; những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức.
2. Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.
3. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.