(Baonghean) Trong lĩnh vực chế biến, đặc biệt là chế biến nông lâm sản, mối gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông là hết sức cần thiết. Để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm làm ra một cách bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, chú trọng tăng cường liên kết 4 nhà: Nhà nông; Nhà doanh nghiệp; Nhà nước, và Nhà khoa học nhằm tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Kể từ khi quyết định có hiệu lực đến nay đã là 10 năm, trong khoảng thời gian đó, nhiều doanh nghiệp đã triển khai thành công nhưng cũng không ít doanh nghiệp thất bại.
Với tỉnh Nghệ An, ngay từ khi Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ban hành, Sở NN & PTNT đã triển khai và chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện. Đã có thời điểm thu mua nông sản thông qua hợp đồng được triển khai rầm rộ, cả doanh nghiệp thu mua nguyên liệu và người dân trồng nguyên liệu đều tích cực hưởng ứng. Đi đầu trong triển khai thu mua nông sản thông qua hợp đồng phải kể đến Công ty TNHH 1 thành viên Đầu tư phát triển chè, Công ty Cổ phần Thực phẩm (Nhà máy dứa Nghệ An), các công ty chế biến mía đường, Công ty CP muối Nghệ An....
Thu mua bí xanh ở Anh. Ảnh: Sỹ Thuần
Mặc dù vậy, sau thời gian triển khai đồng loạt, việc thu mua nông sản qua hợp đồng đã có nhiều vấn đề bất cập xảy ra, giữa doanh nghiệp với người dân xuất hiện mâu thuẫn dẫn tới tranh chấp hợp đồng, nhiều hợp đồng đã ký nhưng bị phá vỡ. Điển hình là những bất đồng giữa Nhà máy dứa Nghệ An với người dân trồng dứa nguyên liệu, giữa Công ty Cổ phần Muối Nghệ An với người dân sản xuất muối... Có thể nói đến thời điểm hiện nay, thu mua nông sản thông qua hợp đồng chỉ còn được triển khai hiệu quả tại các đơn vị chế biến đường mía và một vài đơn vị thuộc Công ty TNHH 1 thành viên Đầu tư phát triển chè Nghệ An.
Để thực hiện tốt Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thu mua nông sản thông qua hợp đồng được triển khai hiệu quả trong thực tế đòi hỏi phải có sự nỗ lực của cả 4 bên, trước khi có sự liên kết với nhau thì mỗi bên cần phải soát xét và xem lại chức năng nhiệm vụ cần thiết của mình.
Với Nhà nước, đây là thực thể không trực tiếp nhưng có tầm quan trọng đảm bảo cho sự cân bằng và phát triển của sự liên kết. Chế biến sản phẩm phải luôn song hành với xây dựng và phát triển nguyên liệu, đây là vấn đề tối cần thiết đòi hỏi các cơ quan Nhà nước và bản thân các doanh nghiệp cần tuân thủ. Cần có quy hoạch cụ thể phát triển sản phẩm. Quy hoạch phải đảm bảo bám sát thực tế và đặc biệt trong quá trình chỉ đạo không để quy hoạch bị phá vỡ.
Chính quyền địa phương “cấp xã” cần xác định và thực hiện vai trò vị trí của mình trong việc triển khai và thực hiện hợp đồng. Hướng dẫn người dân thực hiện, đồng thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tại địa phương hỗ trợ người dân thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký. Tại những nơi có tổ chức HTX thì doanh nghiệp nên bàn thảo và ký hợp đồng với tổ chức này để hạn chế phá vỡ hợp đồng.
Doanh nghiệp cần phải xác định và thể hiện được vai trò đầu tàu của mình trong việc liên kết 4 nhà. Khi soạn thảo hợp đồng cần có sự thống nhất với người trồng và cung cấp nguyên liệu và nhất thiết phải có sự tham gia của chính quyền cấp xã. Về giá thu mua và thời điểm thu mua sản phẩm cần được thể hiện vào hợp đồng. Doanh nghiệp có thể nghiên cứu áp dụng hợp đồng giao sau với người sản xuất nguyên liệu, với hình thức hợp đồng này, bên mua và bên bán tạm tính giá thu mua sản phẩm tại thời điểm ký kết hợp đồng ngay trước thời vụ, nhưng cần tăng thêm có thể điều chỉnh giá tại thời điểm thu hoạch sản phẩm khi có biến động lớn của thị trường.
Người dân cũng cần xác định đúng tầm quan trọng của việc bán nông sản qua hợp đồng. Bên cạnh đó, việc người dân liên kết với nhau thành tổ hợp tác hoặc thành lập HTX và tiến hành thương thảo, ký hợp đồng tập trung với các doanh nghiệp thu mua nông sản thông qua những tổ chức này sẽ hạn chế được rất nhiều sai sót trong việc ký kết hợp đồng, đồng thời sẽ dễ giải quyết hơn khi tranh chấp xảy ra.
Có thể khẳng định rằng, việc thu mua nông sản thông qua hợp đồng là hết sức cần thiết và có lợi cho cả doanh nghiệp chế biến lẫn người dân trồng nguyên liệu. Cả 4 nhà: Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà nước và Nhà khoa học cần nhìn nhận một cách thấu đáo, nghiêm túc để xác định vai trò vị trí của mình, cùng phối hợp chặt chẽ, nỗ lực triển khai thực hiện để việc thu mua nông sản thông qua hợp đồng được thành công.
Cần nâng trách nhiệm “4 nhà”
Thái Tuấn