Tham dự hội nghị có đồng chí Kha Văn Tám - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh; Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh cùng lãnh đạo LĐLĐ các huyện, thành, thị, và các công đoàn ngành.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-ĐCT ngày 18/6/2009 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về "Đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể", LĐLĐ tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong năm 2020.
Theo đó, nhiều đơn vị đã thực hiện việc lấy ý kiến của người lao động và có tiến hành thương lượng giữa Ban Chấp hành Công đoàn với người sử dụng lao động; Nội dung các bản TƯLĐTT đã có nhiều điều khoản nâng cao hơn quyền lợi của người lao động hơn so với quy định của pháp luật (về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, bảo đảm việc làm, tiền lương, thưởng, cải thiện điều kiện làm việc, một số chế độ đối với lao động nữ, chất lượng bữa ăn ca, tổ chức tham quan nghỉ mát, thăm hỏi khi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất...); Một số công đoàn cấp trên cơ sở có đầu tư thời gian chỉ đạo, giúp đỡ công đoàn cơ sở thương lượng sửa đổi, bổ sung nhiều lần trước khi ký kết, (LĐLĐ huyện Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, Công đoàn ngành Nông nghiệp, Công Thương, Giao thông Vận tải...).
Về cơ bản, LĐLĐ các huyện, thành, thị, công đoàn ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc đáp ứng về mặt số lượng các bản TƯLĐTT theo chỉ tiêu mà LĐLĐ tỉnh đề ra. Tuy nhiên, chất lượng các bản TƯLĐTT vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động; Nội dung có lợi cho người lao động về tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi còn ít, chủ yếu vẫn tập trung vào các nội dung liên quan đến phúc lợi cho người lao động; Nhiều đơn vị huyện, ngành mới chỉ cố gắng hoàn thành về mặt số lượng, chưa đầu tư sâu về chất lượng; Một số đơn vị đến thời điểm hết hiệu lực của thỏa ước nhưng chưa kịp thời thay thế, bổ sung; Việc triển khai Thư viện Thỏa ước chưa thực hiện thường xuyên...
Báo cáo cũng đã chỉ ra những tồn tại và nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Cụ thể, một số LĐLĐ huyện, ngành chưa quan tâm trong việc rà soát các bản TƯLĐTT hết hạn để chỉ đạo ký kết sửa đổi, bổ sung; chưa quan tâm việc tập huấn cho cán bộ CĐCS, chưa tự chấm điểm trên từng bản thỏa ước, chưa báo cáo kịp thời theo định kỳ về Liên đoàn Lao động tỉnh; Một số các chủ doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của TƯLĐTT và trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về TƯLĐTT; Một số chủ doanh nghiệp có tâm lý sợ sự ràng buộc khi ký kết những điều khoản có lợi hơn luật vào TƯLĐTT; Còn nhiều cán bộ CĐCS chưa chủ động, chưa mạnh dạn đề xuất chủ sử dụng lao động thương lượng, ký kết TƯLĐTT; Sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia đối với công đoàn cơ sở chưa thật sự tích cực; Liên đoàn Lao động huyện, thành, thị và Công đoàn ngành còn thiếu sự phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thương lượng và ký kết TƯLĐTT.
Từ thực tế đó, Ban Chính sách – Pháp luật cũng đã đưa ra giải pháp khắc phục và phương hướng nhiệm vụ thực hiện trong năm 2021. Với chỉ tiêu chung là 100% doanh nghiệp nhà nước; trên 80% doanh nghiệp ngoài nhà nước có thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó có ít nhất 30% bản thỏa ước lao động tập thể đạt loại A, lãnh đạo LĐLĐ các huyện, thành, thị và công đoàn ngành đã đăng ký chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị của mình.
Phát biểu tại hội nghị, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của đơn vị mình, những khó khăn, bất cập trong công tác ký kết TƯLĐTT hiện nay, đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm cải thiện tình hình.