Người “tổng đạo diễn” phải có chiến lược phát triển, có phân kỳ đầu tư đủ sức thuyết phục chính quyền địa phương, các nhà đầu tư, các hãng lữ hành du lịch trong và ngoài nước.
Gần đây, khách du lịch trong và ngoài nước rất thích đến quần thể khu du lịch sinh thái Ninh Bình. Đó là Khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước Vân Long, Vườn chim Thung Nham, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch tâm linh Tràng An… Nếu để ý mới thấy khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất này khá giống với miền Tây Nghệ An, thậm chí có những địa điểm vẻ hoang sơ, kỳ thú của nhiều nơi ở miền Tây Nghệ An còn được đánh giá cao hơn.
Có thể đơn cử để so sánh: Vùng Thung Nham, nằm ở phía Tây Nam, cách thành phố Ninh Bình khoảng 12 km, là một trong các địa chỉ của quần thể khu du lịch Ninh Bình đang hút khách thủ đô. Khu du lịch sinh thái – Vườn chim Thung Nham thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, là một trong những điểm du lịch hội tụ các yếu tố văn hóa, tâm linh, cảnh quan và đa dạng sinh học. Nếu đi từ Hà Nội, các gia đình có điều kiện chỉ mất độ hơn 1 giờ chạy xe hơi. Điểm hài lòng nhất khi đến Thung Nham là du khách được tiếp xúc vẻ đẹp trong những vùng lõi của Khu du lịch sinh thái Tràng An, du khách được chèo thuyền len lỏi giữa tán rừng, tận hưởng khung cảnh mây nước yên bình, hòa mình vào thiên nhiên để quan sát và khám phá cuộc sống hoang dã của các loài chim như cò, vạc, đại bàng đất, hạc… Ngoài việc được hít thở không khí trong lành, tận hưởng thực phẩm sạch với cá thả dưới hồ tự nhiên; lợn, gà nuôi theo cách truyền thống; đặc biệt món rau rừng ở đây quả là có một không hai: rau màu xanh đặc trưng của thảo mộc, vị hơi đắng mà thanh, nước ngọt thơm như mùi thuốc bắc.
Là người con xứ Nghệ, tôi biết miền Tây quê mình cũng có những danh lam thắng cảnh "sơn thủy hữu tình" đầy quyến rũ. Vùng miền Tây Nghệ An được biết đến với 11 huyện, thị: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hoà, có diện tích gần 1,4 triệu ha, chiếm 84% diện tích toàn tỉnh. Nơi đây có Vườn quốc gia Pù Mát (diện tích hơn 91.000 ha) và 2 Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia là Pù Hoạt (diện tích 43.000 ha), Pù Huống (diện tích 40.000 ha), cả Vườn quốc gia Pù Mát và 2 khu bảo tồn trên vừa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vườn quốc gia Pù Mát là khu rừng tự nhiên đặc trưng cho hệ sinh thái rừng mang tính nguyên sinh thuộc rừng ẩm nhiệt đới vùng Bắc Trường Sơn Việt Nam. Với giới khoa học, nơi đây không còn xa lạ bởi tính đa dạng sinh học với 2.494 loài thực vật, 132 loài thú, 361 loài chim, 53 loài bò sát, 33 loài lưỡng cư, 83 loài cá, 39 loài dơi và 1.080 loài côn trùng...
Hiện nay, khá nhiều công ty du lịch đã khai thác tour Vườn quốc gia Pù Mát để du khách ngoài chiêm ngưỡng nét hoang sơ của rừng nguyên sinh với tính đa dạng sinh học cao bậc nhất Việt Nam, còn được làm quen, tiếp xúc với nét văn hoá độc đáo, tinh tế của người Thái.
Nhưng rõ ràng, việc khai thác tiềm năng du lịch khu vực miền Tây Nghệ An hiện vẫn chưa được quan tâm, chưa kêu gọi thu hút đầu tư đúng với những gì hiện có. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng theo chúng tôi, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là tỉnh chưa tìm được một “tổng đạo diễn” có con mắt tinh đời như ông Paul Stone - nguyên Tổng Giám đốc Khu nghỉ mát cao cấp Furama Đà Nẵng “cha đẻ” chuỗi du lịch “Con đường Di sản miền Trung”. Du lịch miền Trung nói chung, du lịch Đà Nẵng nói riêng thành công một phần có công không nhỏ của người đàn ông quốc tịch Đức này.
Cũng như quần thể du lịch Ninh Bình, thì Nghệ An cần quy hoạch tổng thể một phần thể các địa điểm du lịch: tour khám phá, mạo hiểm kết hợp với dưỡng sinh nghỉ ngơi, du lịch tâm linh… xây dựng các điểm tham quan, sản phẩm lưu niệm đặc thù, các lễ hội độc đáo, các khu vui chơi, khu ẩm thực mang màu sắc vùng cao phía Tây. Người “tổng đạo diễn” phải có chiến lược phát triển, có phân kỳ đầu tư đủ sức thuyết phục chính quyền địa phương, các nhà đầu tư, các hãng lữ hành du lịch trong và ngoài nước. Phải xây dựng được một chiến lược marketing tài ba cho cả trong và ngoài nước, ngoài việc xây dựng được lộ trình đầu tư cơ sở hạ tầng quần thể, bao gồm cả phát triển giao thông nối Hà Nội, Vinh với miền Tây Nghệ An. Đa dạng hóa các loại hình giao thông theo nhu cầu của du khách: hàng không, đường sắt, đường bộ và tận dụng cả cảng biển mời gọi khách quốc tế trên các tàu khách du lịch 5 sao như Đà Nẵng.
Đương nhiên, không hề dễ để có thể lựa chọn ngay ra một ông “tổng đạo diễn” đủ tầm, cũng không phải ngày một, ngày hai là có thể lôi kéo du khách đến vùng đất hoang sơ. Đơn giản như tại Thung Nham - Ninh Bình thì ông chủ Phạm Công Chất cũng phải mất hơn 10 năm kiên trì xây dựng mới có được “trái chín đầu mùa” với xấp xỉ 60.000 lượt khách/năm và còn tiếp tục tăng. Nhưng rõ ràng, nếu Nghệ An vẫn cứ khai thác tiềm năng một cách manh mún, không có sự quy hoạch, đầu tư dài hạn thì sẽ mất đi cơ hội lớn kinh doanh du lịch.
Trước mắt, chúng tôi đề xuất UBND tỉnh Nghệ An cần thường xuyên mời các ông chủ hãng du lịch lớn trong và ngoài nước (nhất là các công ty có người Nghệ làm lãnh đạo) đến thăm, quảng bá và giới thiệu các chính sách ưu đãi phát triển du lịch của địa phương. Đầu tư xây dựng trang web thông tin đầy đủ, rộng rãi về miền Tây tỉnh nhà nói riêng và các địa điểm du lịch Nghệ An nói chung, chủ động làm việc với các hãng du lịch lớn xây dựng các tour cuối tuần để tạo dựng cộng đồng. Kết hợp với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và ngành Đường sắt xây dựng kế hoạch chạy tàu nối liền các điểm tham quan du lịch của các tỉnh miền Trung. Tổ chức các tuyến xe buýt từ sân bay, nhà ga đến khu vực miền Tây và thành lập tuyến xe buýt du lịch vòng quanh Nghệ An theo mô hình du lịch lữ hành Sinh cafe, kiểu “ta ba-lô” dành cho đối tượng học sinh, sinh viên.
Được biết, UBND tỉnh Nghệ An đã thông qua dự thảo Đề án thành lập Sở Du lịch vào đầu năm 2017 để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển du lịch; đó là điều kiện cần, nhưng quan trọng hơn là lãnh đạo tỉnh phải huy động cả hệ thống chính trị, nhất là các cấp, ngành chức năng liên quan cùng trăn trở một câu hỏi lớn “Tại sao tỉnh bạn làm được, còn ta thì chưa?”.
Nguyễn An Thanh