(Baonghean) - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện các ngành liên quan của tỉnh vừa thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo tại Quế Phong. Qua giám sát, bên cạnh những kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn khá tốt thì vẫn còn những vấn đề đặt ra, đòi hỏi trong quá trình thực thi các chính sách giảm nghèo cần có sự điều chỉnh hợp lý...

Xã Tri Lễ, một trong những xã vùng biên khó khăn nhất của huyện Quế Phong (thời điểm năm 2010 còn 73% hộ nghèo), địa hình chia cắt nên việc giao thương, đi lại rất khó khăn. Xã có 33 xóm bản, trong đó trên 400 hộ đồng bào người Mông, chiếm 1/4 số dân sống ở 8 bản khá xa trung tâm nên đầu tư cho giao thông là bài toán khó. Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thông qua chương trình, dự án nên kinh tế xã hội Tri Lễ đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 73% năm 2010 xuống còn 57,7% năm 2013. Một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng là cây chanh leo.

Mặc dù mới trồng từ năm 2011 nhưng đến nay xã đã có 24 ha, năng suất khoảng 40 tấn/ha đã mở ra hướng làm ăn mới cho bà con Tri Lễ và huyện Quế Phong. Hiện nay, ngoài việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đã có doanh nghiệp đầu tư xây dựng Trại ươm giống chanh leo để cung cấp giống mở rộng diện tích trên địa bàn. Ngoài chanh leo, được sự hỗ trợ của nhà nước, các cây con giống mới như lúa Japonika, lúa thuần, lúa lai, rau màu, lạc, ngô lai, cây mía, đào hay vật nuôi như bò, hươu… đều đã được đưa vào trồng, nuôi khảo nghiệm tại Tri Lễ. Trong số các giống cây con trên, mô hình giống lúa chịu lạnh Japonika, mô hình rau sạch ở bản Chiềng, mô hình mía ở Bản Minh Châu… bước đầu cho hiệu quả. Năng suất lúa Japonica đạt 49 tạ/ha chất lượng gạo ngon, mía đạt 45 tấn/ha với trữ đường lớn đang đã thực sự mở hướng cho bà con thoát nghèo. 

images926686_dsc_1427.jpgMô hình rau sạch tại bản Chiềng, xã Tri Lễ (Quế Phong).
 
Bà Trương Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: không riêng gì Tri Lễ mà các xã khác như Quế Sơn, Mường Nọc, Tiền Phong… với sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước và nguồn vốn vay ưu đãi hình thành được nhiều mô hình cây con xóa đói giảm nghèo. Trong vòng 8 năm (giai đoạn 2006- 2012), nguồn vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo tại Quế Phong đã cho vay trên 239,7 tỷ đồng với trên 26.617 lượt hộ vay, bình quân mỗi hộ được vay từ 15-19 triệu đồng/lượt. Trong đó cho vay theo Nghị quyết 30a với dư nợ 31,570 tỷ đồng với 6.314 hộ được vay. Nhìn chung, chương trình tín dụng hộ nghèo tăng nhanh cả về quy mô và chất lượng, định mức cho vay bình quân không ngừng tăng từ 4,3 triệu đồng  lên 17 triệu đồng/hộ. Số vốn trên đã giúp 11.980 lượt hộ nghèo có điều kiện mua thêm trâu bò, cây ăn quả và lấy gỗ làm nhà ở… 
 
Bên cạnh đó, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm xuất khẩu lao động… trên địa bàn cũng đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Từ khi triển khai đến nay đã cho gần 3 ngàn hộ với số tiền 23,296 tỷ đồng để làm nhà ở và đã mở được hơn 50 lớp dạy nghề cho 1.620 học viên học các nghề thiết thực với nông thôn như sửa xe máy, mộc dân dụng, kỹ thuật trồng trọt; giới thiệu được hơn 726 lao động đi xuất khẩu tại các nước. Ngoài nguồn vốn cho vay, Quế Phong đã đầu tư trên 85,4 tỷ đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tuyến xã, bản từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Mặt khác, từ nguồn hỗ trợ sản xuất dành cho huyện 30a, huyện đã triển khai đầu tư hơn 30 tỷ đồng để đầu tư vào các hạng mục hỗ trợ cây con, giống vật nuôi, xây dựng 25 mô hình hỗ trợ sản xuất, trong đó một số mô hình thành công đã và đang tiếp tục được nhân rộng…
 
Có thể nói, nhờ nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của nhà nước, tỷ lệ hộ đói nghèo huyện Quế Phong đã giảm nhanh, bình quân mỗi năm Quế Phong giảm 5% hộ nghèo, tương đương 700 hộ mỗi năm, là kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên,thực tế khảo sát, giám sát tại Quế Phong, đã cho thấy việc thực hiện chính sách giảm nghèo tại địa bàn vẫn còn một số khó khăn vướng mắc cần tiếp tục điều chỉnh. 
 
Đó là, bất cập về nguồn lực. Ví như cây chanh leo hiện đã chứng tỏ là một trong những cây có hiệu quả và phù hợp với Tri Lễ nói riêng và Quế Phong nói chung. Tuy nhiên việc mở rộng diện tích cũng không dễ dàng. Ngoài tìm đầu ra cho sản phẩm thì khâu đầu tiên là phải chủ động được nguồn giống. Hiện nay, cây giống chanh leo trên địa bàn chủ yếu được nhập từ Đài Loan nên không phải người dân nào cũng mua được. Một người dân ở bản Chiềng cho biết gia đình bà rất muốn trồng chanh leo nhưng chưa được vì chỉ hộ nghèo mới được nhà nước hỗ trợ giống. Thực tế, không phải chỉ hộ nghèo có đất đai và mà phải là hộ có kiến thức chăm sóc thì mới được chọn. Tương tự cây chanh leo là giống lúa chịu lạnh Japonika hay trâu bò, hươu… do giống mới khá đắt nên người dân khó mua. Ông Lô Xuân Phòng - Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ cho hay: “Để đưa cây chanh leo, lúa nước hay cây mía vào địa bàn, xã phải có nghị quyết sau đó tổ chức làm thử để bà con làm theo. Hiện nay, để mở rộng diện tích chanh leo và lúa nước trên địa bàn thì nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh gia súc cho người dân, nhất là hộ nghèo”.
 
Qua thực tế cho thấy rằng mức cho vay làm nhà ở đối với các hộ hiện nay là quá thấp. Theo quy định mỗi hộ chỉ được vay làm nhà khoảng 5 triệu đồng và niên hạn 5 - 7 năm. Với số tiền được vay quá ít và hạn vay quá ngắn, người vay gần như chỉ đủ sửa sang nhà cửa. Khi hết thời hạn vay cũng là lúc nhà đã xuống cấp, cần được sửa lại nên mục đích cho vay chưa đạt được và thiếu bền vững.
 
Việc thực hiện hỗ trợ cấp phát gạo cứu đói, và một số chính sách ưu đãi khác hiện nay còn quá chậm, ảnh hưởng đến việc ổn định đời sống của nhân dân. Theo đại diện UBND xã Quế Sơn việc cấp phát cứu đói ngày giáp hạt hoặc thiên tai, bão lũ và Tết Nguyên đán hiện nay là quá chậm. Thông thường từ 1-2 tháng sau khi địa phương đề nghị thì gạo mới được chuyển về. Như năm 2013, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 và số 10, do người dân bị thiếu đói, xã và huyện kiến nghị từ cuối tháng 9 đầu tháng 10 nhưng mãi đến tháng 11, khi người dân đã gặt xong, có gạo mới để ăn thì gạo cứu trợ mới về nên không còn phù hợp. Tương tự, chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định 49/CP cho con em gia đình chính sách và hộ nghèo quá chậm khi cuối năm học gia đình mới được chi trả học kỳ 1, thậm chí có gia đình tại Quế Phong con em đã học xong đi làm thì tiền hỗ trợ miễn giảm học phí mới về, chính quyền thông báo gia đình đi nhận khiến không ít người dân băn khoăn, thắc mắc. 
 
Bất cập cuối cùng và cũng là khó khăn lớn nhất là tình trạng thiếu đất sản xuất và việc làm ổn định. Vì lý do này nên mặc dù được đánh giá là địa phương có tỷ lệ giảm nghèo khá nhanh nhưng Quế Phong cũng là huyện có nguy cơ tái nghèo cao. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, một trong những lý do để huyện Quế Phong giảm nghèo nhanh giai đoạn vừa qua, thậm chí có năm giảm 7,9% là do người dân 3 xã Thông Thụ, Đồng Văn và Tiền Phong nhận được tiền đền bù công trình thủy điện nên thu nhập bình quân tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay khi công trình Thủy điện Hủa Na đã xong tình trạng thiếu đất sản xuất ở các xã tái định cư và một số xã khác đang ảnh hưởng trực tiếp đến giảm nghèo bền vững. Bà Trương Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong nêu giải pháp: “Cùng với các giải pháp khác thì một trong những ưu tiên của huyện là tập trung tất cả các nguồn lực đầu tư cho xã nghèo, hộ nghèo bằng cách tranh thủ sự đầu tư của T.Ư và tỉnh cho cơ sở hạ tầng các xã thuộc chương trình 135/CP, chương trình 30a của Chính phủ. Hướng đầu từ trước mắt ở các xã này là tập trung giải quyết các công trình đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân, đảm bảo các điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống với phương châm “Nơi khó làm trước, dễ làm sau”, đảm bảo mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững…”.
 
Nguyễn Hải