Sáng 6/9, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Tờ trình, Báo cáo tổng kết thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng và Dự thảo Quy chế bầu cử mới. Đồng chí Mai Văn Chính - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương chủ trì.
Đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng
Quy chế bầu cử trong Đảng (gọi tắt là Quy chế) được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 9/6/2014 tại Quyết định số 244-QĐ/TW. Đây là văn bản hết sức quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến chi bộ thực hiện, vừa bảo đảm phát huy dân chủ, vừa tăng cường tập trung, đồng thời đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Qua 5 năm thực hiện, Quy chế về cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác bầu cử trong Đảng trong tình hình mới. Việc áp dụng các quy định của Quy chế đã đóng góp vào thành công của đại hội, hội nghị thực hiện quy trình cán bộ ở các cấp trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Quyền ứng cử của đảng viên, đại biểu được đề cao, bảo đảm tính khả thi thông qua việc hướng dẫn cụ thể quy trình và thủ tục ứng cử. Tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội XII của Đảng, đã có 15 đảng bộ có đại biểu tự ứng cử ở đại hội cấp cơ sở và cấp tỉnh (trong đó có Nghệ An).
Quyền đề cử của đảng viên được bảo đảm, có 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có đề cử của đại biểu tại đại hội (trong đó có Nghệ An).
Cá biệt, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, có 1 đồng chí không được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI giới thiệu, nhưng được giới thiệu bầu vào Bộ Chính trị và đã trúng cử.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Quy chế vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Ở một số tổ chức đảng có ít đảng viên chính thức không lập được ban kiểm phiếu theo quy định. Quy định số dư trong danh sách bầu cử với số lượng cần bầu từ 1-2 người thường không được các cấp ủy thực hiện. Có hiện tượng lợi dụng dân chủ để vận động đề cử mình vào danh sách bầu cử tại đại hội. Cá biệt, có nơi xảy ra gian lận trong kiểm phiếu, kết quả bầu cử bị sai lệch.
Vẫn còn tình trạng đề cử người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thậm chí có trường hợp đề cử người mà mình không nắm chắc lý lịch, phẩm chất, khả năng hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không phải chịu trách nhiệm về việc đề cử của mình. Ở một số nơi, công tác tổ chức, điều hành hội nghị lần thứ nhất còn gặp khó khăn, lúng túng...
Sửa đổi cho phù hợp với tình hình
Tại hội nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng đề xuất sửa đổi một số nội dung trong Quy chế để phù hợp hơn với thực tiễn. Các ý kiến đóng góp cho rằng cần điều chỉnh một số từ, cụm từ và diễn đạt lại hoặc bổ sung một số nội dung để dễ hiểu, tường minh hơn, đồng thời giúp nâng cao chất lượng của nhân sự tham gia cấp ủy và tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của người đề cử; đảm bảo công bằng trong việc ứng cử, đề cử của cấp ủy và đề cử của cá nhân đại biểu, đảng viên dự đại hội, hội nghị; để khắc phục vướng mắc của quy định hiện hành trong danh sách bầu cử số lượng dưới 5 người; bổ sung điều mới quy định trách nhiệm của bí thư cấp ủy, trưởng ban tổ chức cấp ủy cấp triệu tập đại hội...
Góp ý vào các nội dung liên quan, đại diện điểm cầu Nghệ An, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hồ Phúc Hợp đồng tình với các phát biểu của các địa phương, đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 của Quy chế quy định nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập đại hội, theo đó tùy theo cấp của đại hội để bố trí thời gian ấn định ngày khai mạc đại hội, thay vì yêu cầu quyết định và thông báo thời gian khai mạc đại hội trước 30 ngày làm việc.
“Ở cấp cơ sở, thông thường duyệt đại hội xong mới ấn định ngày khai mạc, nên chúng tôi đề nghị cần quy định cấp huyện khác, cấp cơ sở khác, cấp tỉnh khác để dễ áp dụng”, đồng chí phát biểu.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An đề xuất bổ sung nội dung “thực hiện Đại hội lấy phiếu giới thiệu bí thư cấp ủy trong số những người vừa trúng cử vào ban chấp hành Đảng bộ khóa mới, trừ những nơi trực tiếp bầu bí thư cấp ủy” vào Dự thảo Quy chế cho phù hợp với nội dung tại mục 3.6, Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.