(Baonghean) - Cho đến nay đã 3 tháng trôi qua kể từ ngày học sinh vào năm học mới, nhưng hơn 50 học sinh tiểu học ở làng Văn Hà, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương vẫn chưa được đến trường vì những chủ ý đòi hỏi rất vô lý của người lớn. Quả thực đây là một sự kiện hi hữu và rất đáng buồn cho ngành giáo dục tỉnh nhà và cho chính bản thân và gia đình các em. Vì xét cả ở góc độ tình và lý thì đều không đúng.
 
Trước hết, việc các phụ huynh học sinh ở làng Văn Hà viện dẫn Điều lệ Trường Tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về độ dài đường đi của học sinh đến trường đối với khu vực nông thôn không quá 1 km để buộc chính quyền địa phương giữ lại điểm trường cũ theo ý họ, là có căn cứ về mặt pháp lý. Bởi tại Khoản a, Điều 42 của  Điều lệ Trường Tiểu học (Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) có nêu  độ dài đường đi của học sinh đến trường: đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp, khu tái định cư không quá 500m; đối với khu vực ngoại thành, nông thôn không quá 1km; đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 2km.
 
Thế nhưng, ở Mục 1, Điều 43 của Điều lệ cũng quy định rằng “Phòng học phải đảm bảo đúng quy cách, đủ ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, an toàn cho giáo viên và học sinh về vệ sinh trường học; có điều kiện tối thiểu dành cho học sinh tàn tật, khuyết tật học tập thuận lợi”. Chiếu theo quy định này thì lớp học có tuổi đời đã hơn ba chục năm nay đang hiện hữu  tại làng Văn Hà không đáp ứng được các yêu cầu đó, cho nên không có lý do gì để tồn tại. 
 
Hơn nữa, tại Điều 12 về sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động, giải thể trường tiểu học, tại Mục 1, Khoản a đã quy định rõ: việc sáp nhập, chia, tách trường tiểu học phải đảm bảo các yêu cầu sau: Vì quyền lợi học tập của học sinh; Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Bảo đảm quyền lợi của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Việc sáp nhập điểm trường lẻ ở Văn Hà vào điểm trường chung là Trường Tiểu học Quang Sơn hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo như Điều lệ Trường Tiểu học đã quy định. Đồng thời, đáp ứng chủ trương khắc phục các điểm trường, lớp lẻ, tăng cường công tác quản lý, giám sát trong hoạt động của nhà trường; vừa tạo cơ hội cho học sinh được bình đẳng học tập, vui chơi trong một môi trường chung nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phù hợp với qui hoạch mạng lưới trường lớp và kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia của tỉnh.
 
Mặt khác, tại Khoản b, Mục 1,  Điều 12  lệ cũng quy định: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định sáp nhập, chia, tách trường tiểu học. Như vậy, việc sáp nhập điểm trường lẻ Văn Hà vào trường chung là thực hiện đúng các yêu cầu, quy định cũng như quyền hạn được giao theo đúng những gì được nêu trong Điều lệ Trường Tiểu học nên không ai có quyền chống đối, ngăn cản. Vì thế, phụ huynh ở làng Văn Hà, nếu đã có chủ ý vận dụng Điều lệ Trường Tiểu học để “đấu lý” thì cũng nên đọc cho hết và hiểu cho kỹ, cho đúng các quy định rồi hãy lên tiếng, nếu không vừa đuối lý vừa gây thiệt hại cho chính gia đình và con em mình.
 
Còn xét về tình, thì tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ trong nước đến nước ngoài chưa thấy có nơi nào các bậc phụ huynh lại cùng nhau “đồng tâm hiệp lực” ngăn cản con em mình đến trường như ở Văn Hà. Vì làm như thế là vi phạm quyền được đến trường của trẻ em và hủy hoại tương lai của chính con em mình. Có lẽ trong chuyện này còn có uẩn khúc nào khác nữa chưa được làm sáng tỏ. Vì không mấy khi những người làm cha, làm mẹ lại đang tâm hành xử như vậy với con cái mình. Có thể có những kẻ lợi dụng chuyện này toan tính tới những mục đích khác đen tối hơn?
 
Không phải vô cớ mà tại Điều 20 của Luật Giáo dục năm 2005 nêu rõ, cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền bá mê tín, hủ tục, lôi kéo người học vào các tệ nạn xã hội. Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi. Vì thế, bên cạnh tuyên truyền, thuyết phục cho các bậc làm cha làm mẹ hiểu rõ đúng, sai của việc mình làm thì các cơ quan nội chính cũng nên vào cuộc để làm rõ bản chất thật của sự việc. Có nhiều vụ gây rối đã xảy ra trên cả nước và ngay ở tỉnh ta đến nay vẫn đang là bài học nóng hổi và không cho phép chúng ta chỉ nghĩ đơn thuần, một chiều.
 
 Duy Hương