(Baonghean) - Những năm gần đây, ở Nghệ An, hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet đã phát triển mạnh với trên 600 quán, đại lý, qua đó giúp cho người dân ngày càng tiếp cận tốt hơn với thông tin, tạo sự đa dạng trong ngành nghề, dịch vụ cũng như thu nhập cho một bộ phận nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những ảnh hưởng, tác động xấu do hoạt động này đem lại, mà bắt nguồn là sự vi phạm các quy định pháp luật của các cơ sở kinh doanh…

Quán Internet Đàm Liêu, ở 143 đường Nguyễn Văn Cừ (TP Vinh) được xem là cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet lâu đời, chịu đầu tư nhất ở Tp.Vinh; trên 60 bộ máy vi tính, 1 quầy bán các loại thẻ nạp tiền game, phục vụ ăn uống tại chỗ. Khách ở đây chủ yếu là học sinh. Quang cảnh thường gặp ở quán là hàng chục con người miệt mài chúi đầu, dán mắt vào màn hình máy vi tính với những trò chơi trực tuyến bạo lực. Tại những góc khuất, một vài thanh niên đang say sưa theo dõi phim, ảnh sex. Ngay giữa quán, hàng chục người khác quấn lấy 3-4 chiếc máy đánh bạc bất hợp pháp. Trong quán luôn nồng nặc mùi thuốc lá, ầm ĩ tiếng nói tục, chửi thề.

Quang cảnh trên có thể bắt gặp ở bất cứ quán, đại lý kinh doanh dịch vụ Internet nào trên địa bàn Thành phố Vinh. Và qua khảo sát của phóng viên, trong hầu như gần 300 quán internet ở thành phố, đều không thực hiện đầy đủ các quy định: chỉ được cung cấp dịch vụ internet và trò chơi trực tuyến từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày; ghi lại tên tuổi khách truy cập; phải niêm yết rõ nội quy sử dụng dịch vụ internet, giờ đóng cửa, mở cửa, giá cước sử dụng dịch vụ và phòng cháy, chữa cháy; trong mỗi máy chủ phải cài đặt phần mềm quản lý để ngăn chặn người sử dụng truy cập đến các trang thông tin có nội dung bị nghiêm cấm; và đặc biệt, đối với các đại lý Internet có cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến phải cách cổng ra vào của các trường học tối thiểu 200m... Đơn cử như 3 quán internet liền kề ở điểm giao đường Đặng Tất và đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập (chỉ cách Trường THPT Nguyễn Trường Tộ và Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Nghệ An chưa đến 100m) mở cả ngày lẫn đêm để phục vụ các “game thủ” là những học sinh, sinh viên bỏ học.

Quán Internet trên đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Vinh

Bên cạnh đó, nhiều quán vẫn cho trẻ em dưới 14 tuổi truy cập internet và trò chơi trực tuyến không có người lớn đi kèm; thậm chí nhiều đại lý sai về đăng ký sử dụng giấy phép kinh doanh (đăng ký dịch vụ internet nhưng lại cho khách chơi trò chơi trực tuyến)…. Những vi phạm của các quán internet ở Tp Vinh không phải đến bây giờ mới phát sinh mà tồn tại từ trước đó rất lâu. Và chính từ các vi phạm này mà đã có thời gian, tại những quán internet trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra các vụ mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau, gây mất trật tự công cộng; tình trạng mất trộm xe máy, xe đạp của khách đến quán internet cũng khá phổ biến, gây nhiều bức xúc cho nhân dân. Thậm chí công an thành phố, tỉnh từng điều tra, phát hiện một số đối tượng đã dùng các quán internet mở sai giờ quy định để hẹn nhau đi cướp tài sản, hoặc dụ dỗ người bị hại đến thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do công tác quản lý kinh doanh dịch vụ internet có triển khai nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa vào cuộc; một số văn bản pháp luật vẫn chưa được phổ biến đến các hộ kinh doanh đại lý internet; việc kiểm tra, nhiều khi vẫn mang tính hình thức… Và cũng phải nói thêm rằng có nhiều quy định cấm nhưng vẫn chưa có chế tài xử phạt (như cấm trẻ em dưới 14 tuổi không có người lớn đi kém), hay xử phạt chưa nghiêm đã tạo điều kiện cho một số quán kinh doanh dịch vụ internet “lách luật”. Ví dụ, để đối phó với quy định cắt đường truyền internet hợp đồng với đại lý doanh nghiệp, quán kinh doanh dịch vụ sau 23 giờ, thì các quán lại sử dụng một lúc 2 đường truyền internet (một đường truyền hợp đồng với đại lý doanh nghiệp và một đường truyền hợp đồng gia đình).

Ông Trần Đình Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Ngày 11/3/2013, Sở Thông tin và Truyền thông đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra, trực tiếp thanh tra, kiểm tra các đơn vị, đại lý cung cấp dịch vụ internet. Bước đầu, đoàn thanh tra đã kiểm tra 30 đại lý kinh doanh dịch vụ internet trên địa bàn Thành phố Vinh, phát hiện 11 đại lý vi phạm, xử phạt hành chính tổng số tiền là 8.105.000 đồng… Để công tác quản lý dịch vụ Internet và trò chơi trực tuyến đạt hiệu quả, sắp tới việc xử phạt sẽ được tiến hành “mạnh tay” hơn, các đợt thanh tra, kiểm tra thực hiện thường xuyên hơn.

Bài, ảnh: Thanh Sơn