Tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, chiều 5/11, trong buổi làm việc được truyền hình, truyền thanh trực tiếp tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đồng tình cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các vị đại biểu Quốc hội do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình. 
 
images865983_qh.jpgĐại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Mã Điền Cư phát biểu ý kiến. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Nhìn chung các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự tán thành với bố cục, nội dung của Dự thảo và cho rằng Dự thảo đã thể hiện được mục tiêu, quan điểm, định hướng lớn, những vấn đề có tính nguyên tắc về bản chất của Nhà nước và chế độ đã được nêu trong Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. 
 
Bên cạnh đó, Dự thảo Hiến pháp đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và phù hợp với tình hình của đất nước. Buổi làm việc cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý về toàn diện các nội dung trong dự thảo, đặc biệt là nhóm quy định về chế độ kinh tế, thu hồi đất và chính quyền địa phương. 
 
Nhiều ý kiến đánh giá, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã xác lập cơ chế bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện sự đổi mới về tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng đảm bảo quyền tự chủ và tự chịu; xây dựng mô hình chính quyền địa phương có sự phân biệt về tổ chức, thẩm quyền của chính quyền nông thôn, đô thị và hải đảo. 
 
Tiếp tục hiến định vai trò chủ đạo của của thành phần kinh tế Nhà nước 
 
Các ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận hầu hết đều tán thành với việc quy định khái quát vai trò của các thành phần kinh tế nhưng cần khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Các đại biểu cho rằng trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng. Việc quy định như vậy để thể hiện hạ tầng kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của thành phần này. 
 
Khẳng định trong những giai đoạn phát triển vừa qua, thành phần kinh tế nhà nước luôn có vai trò chủ đạo, trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) phân tích kinh tế nhà nước có vai trò đảm bảo cho sự tồn tại của hạ tầng kinh tế, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển. 
 
Mặc dù còn những khiếm khuyết trong hoạt động quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh nhưng không thể coi nhẹ loại hình này và cần tiếp tục tăng cường vai trò của nó trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. 
 
Góp ý vào nhóm quy định về chế độ kinh tế, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng dự thảo cần viết cụ thể để làm rõ bản chất của nền kinh tế quốc gia, theo đó nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, có định hướng và điều tiết của Nhà nước. 
 
Tán thành quy định như trong dự thảo về vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước, đại biểu Sơn đề nghị ghi rõ thêm nội dung của kinh tế nhà nước gồm ngân sách Nhà nước; dự trữ quốc gia, tài sản quốc gia, tài nguyên quốc gia. Quy định như vậy để dễ hiểu đối với người dân và các nhà đầu tư nước ngoài, đại biểu Sơn nói. 
 
Tán thành việc hiến định thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng có như vậy mới đảm bảo thực hiện được nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như cương lĩnh, chiến lược đã đề ra. 
 
Về vấn đề này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phân tích việc tồn tại một số doanh nghiệp Nhà nước yếu kém là do năng lực quản lý, điều hành của một số cá nhân, tổ chức chứ không thể do sự yếu kém của toàn hệ thống kinh tế nhà nước. 
 
Tăng cường vai trò của Công đoàn trong đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động 
 
Liên quan đến quy định về Công đoàn tại Điều 10 của Dự thảo, một số ý kiến tán thành việc quy định rõ tổ chức này trong Hiến pháp nhằm đề cao vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam và khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong lịch sử cũng như trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong lịch sử cũng như trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 
 
Các đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai); Mã Điền Cư (Quảng Ngãi); Danh Út (Kiên Giang) cho rằng việc tiếp tục hiến định về tổ chức Công đoàn là hoàn toàn phù hợp là thể hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước nhất là trong kinh tế thị trường nhiều thành phần, vai trò vị trí của tổ chức Công đoàn là hết sức quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. 
 
Thu hồi đất phải đảm bảo công bằng và dựa trên lợi ích nhân dân 
 
Góp ý về vấn đề thu hồi đất, các ý kiến cho rằng trong điều kiện phát triển của Việt Nam hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội. 
 
Tuy nhiên, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội gắn trực tiếp với lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp nên cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường. 
 
Đồng tình về quan điểm thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện Việt Nam hiện nay, song đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng quy định như trong dự thảo là chưa rõ ràng; chưa quy định cụ thể việc thu hồi đất phục vụ kinh tế-xã hội nhằm phục vụ mục đích gì và lợi ích của ai. 
 
Đại biểu Cư đề nghị quy định rõ trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quan điểm về chuyển dịch đất đai theo hai hướng chuyển dịch đất đai bắt buộc và chuyển dịch tự nguyện. Không nên quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội mà nên giao cho Luật Đất đai quy định. Về nguyên tắc thu hồi đất, cần bổ sung thêm bảo đảm công bằng và dựa trên lợi ích của nhân dân, đại biểu Cư nhấn mạnh. 
 
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), Dự thảo nên quy định việc thu hồi đất phải đảm bảo công khai minh bạch, theo quy định của luật thay vì “pháp luật” vì cho rằng trong tương lai, việc thu hồi đất có thể sẽ không còn dễ dàng nữa vì đất là nguồn tài nguyên hữu hạn. Do đó, trong tương lai, có thể phải xây dựng một bộ luật riêng về đền bù, thu hồi đất đai như một số quốc gia trên thế giới để đảm bảo tính nghiêm minh và tính chính xác của thu hồi đất đai, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tập thể là chủ sở hữu đất đai. 
 
Tán thành hiến định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì mục đích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế-xã hội, song đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị đối với việc thu hồi đất thuộc diện này phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, có bồi thường, đảm bảo lợi ích của người sử dụng đất. 
 
Tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn và hải đảo 
 
Về mô hình chính quyền địa phương, qua báo cáo của Chính phủ về tổng kết thí điểm không tổ chức mô hình Hội đồng Nhân dân, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) đề nghị sửa theo hướng chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính địa phương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn và hải đảo. 
 
Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện quận, thành phố, thị xã, thị trấn, xã thuộc huyện đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Ủy ban Nhân dân được thành lập ở phường thuộc quận, phường, xã thuộc thành phố và thị xã. 
 
Cùng quan điểm này, tuy nhiên không tán thành quy định tại Điều 114 của dự thảo, Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu hoặc do Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp với thể chế chính trị, vì đã là một cấp chính quyền thì phải hoàn chỉnh, tổ chức đầy đủ với Hội đồng Nhân dân do nhân dân bầu trực tiếp và Ủy ban Nhân dân do Hội đồng Nhân dân cùng cấp bầu. Như vậy mới đúng với bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phù hợp với nguyên tắc nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp và các tổ chức cơ quan khác. 
 
Sáng mai, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) - Dự án luật liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội, được đặc biệt quan tâm tại Kỳ họp lần này./.
 
                                                                                                                       Theo TTXVN