(Baonghean.vn) - Các đại biểu tổ 1 đã thảo luận sôi nổi nhiều vấn đề quan trọng của tỉnh tại phiên thảo luận tổ kỳ họp 3, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021. 

>>>Cử tri Kỳ Sơn: Đề nghị dừng triển khai xây dựng các nhà máy thuỷ điện

Cùng tham gia có các đồng chí Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban pháp chế HĐND tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh được bầu ở các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu cùng đại diện các sở, ngành cấp tỉnh.

Quang cảnh thảo luận tại tổ 3.

Cần có giải pháp đột phá giảm nghèo

Các đại biểu đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng thẳng thắn nêu lên một số tồn tại, khó khăn.

Đại biểu Lô Thị Kim Ngân (Quế Phong), cho rằng: Trong báo cáo kinh tế - xã hội được UBND tỉnh trình bày tại kỳ họp đã nêu “đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn”; mà một bộ phận này chủ yếu tập trung ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Bởi vậy, cần làm rõ kết quả cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành và các địa phương trong việc triển khai các chương trình, dự án; các chính sách giảm nghèo vùng miền núi, dân tộc, kể cả việc giải quyết các vấn đề “hậu” tái định cư thủy điện, nhất là vấn đề tạo sinh kế bền vững cho người dân. Trên cơ sở đó có giải pháp tốt hơn để giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc nói riêng.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tổ 3.

Cùng đề cập đến vấn đề nâng cao đời sống cho người dân miền núi, vùng dân tộc, đại biểu Lục Thị Liên (Quỳ Châu), cho rằng: Cần có giải pháp cụ thể trong vấn đề giải quyết việc làm, tạo ra thu nhập thường xuyên cho người dân. Đây không chỉ là giải pháp góp phần giảm nghèo bền vững mà còn là đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới, đồng bào dân tộc thiểu.

Còn đại biểu Ngô Đức Thuận (Quỳ Châu) đề nghị tỉnh cần nghiên cứu và ban hành chính sách cho các bản nông thôn mới vùng miền núi, dân tộc. Đồng thời sớm xử lý dứt điểm việc thu hồi đất từ các nông, lâm trường để bàn giao cho người dân sản xuất; có lộ trình kéo điện về cho các bản khó khăn chưa có điện.

Đại biểu Lô Thị Kim Ngân (Quế Phong), cho rằng cần làm rõ trách nhiệm trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo ở miền núi, vùng dân tộc.

Ngoài ra, nhiều đại biểu kiến nghị cần có chính sách cụ thể trong tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số và ưu tiên tiếp nhận học sinh, sinh viên cử tuyển; quan tâm đến chất lượng dạy và học ở các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh...

Đảm bảo tốt hơn các điều kiện phát triển

Liên quan đến việc đảm bảo tốt hơn các điều kiện phát triển cho các huyện miền núi, đại biểu Lữ Đình Thi (Quế Phong), nêu vấn đề: Hiện tại, các dự án thủy điện đều tập trung tại các huyện miền núi cao với nhiều hệ lụy mà nó mang lại. Đề nghị tỉnh để lại cho các địa phương 10 - 15% nguồn thu thuế từ các dự án thủy điện để các địa phương chủ động giải quyết các khó khăn. Đại biểu Lữ Đình Thi cũng kiến nghị tỉnh cần để lại 100% tiền đấu giá đất cho các huyện 30a, tăng nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Cây chanh leo đang tạo ra hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Lầu Bá Chày (Kỳ Sơn), cho rằng tỉnh cần bổ sung nguồn vốn cho các công trình thủy lợi Truông Bành để phục vụ sản xuất cho đồng bào xã Quế Sơn (hiện nay đã qua 2 nhiệm kỳ nhưng chưa hoàn thành); đường Châu Thôn - Tri Lễ, phục vụ phát triển kinh tế xã biên giới, đặc biệt là 10 bản người Mông, xã Tri Lễ. Đồng thời quan tâm duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông, thủy lợi đang bị xuống cấp.

Đại biểu Lữ Đình Thi đề nghị tỉnh trích tiền thuế từ các dự án thủy điện để lại cho các địa phương có các nhà máy thủy điện.

Cùng kiến nghị trích nguồn thu từ các thủy điện, đại biểu Lô Minh Hoạt (Kỳ Sơn) đề nghị tỉnh để lại 50% nguồn thu cho các huyện. Đại biểu Lô Minh Hoạt cũng nêu thực trạng các trường bán trú hiện nay mới chỉ có phòng học, phòng ở; các công trình nước sinh hoạt, sân chơi và công trình vệ sinh còn kém hoặc chưa có, đề nghị tỉnh cần nghiên cứu để có sự đầu tư đồng bộ.

Nhiều đại biểu cũng đề cập đến công tác quy hoạch, phê duyệt quá nhiều dự án thủy điện ở các huyện miền núi, đã, đang và sẽ đặt ra nhiều bất cập, khó khăn. Đề nghị tỉnh cần nghiên cứu, xem xét để dừng một số dự án. Quan tâm phân bổ nguồn kinh phí tăng thêm cho các huyện vùng biên giới để đảm bảo các hoạt động đối ngoại với các tỉnh nước bạn Lào. Chú trọng đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào địa bàn miền núi, vùng dân tộc, nhất là các dự án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy phát triển...

Mai Hoa

Bạn đọc có thể gửi ý kiến tới Kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 17

[kien_nghi_hoi_dong]

TIN LIÊN QUAN