Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cuối tháng này, giới chuyên gia nhận xét phi hạt nhân hóa Triều Tiên có khả năng là “chiến dịch thanh sát quy mô lớn nhất trong lịch sử giải trừ hạt nhân”.
Hồi tháng trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh cam kết chung hướng tới “phi hạt nhân hóa toàn diện” bán đảo Triều Tiên, nêu trong Tuyên bố Panmunjom đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4 vừa qua. Chi tiết và biện pháp cụ thể liên quan phi hạt nhân hóa dự kiến sẽ được thương lượng trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tới đây.
Tuy nhiên, căn cứ theo chương trình hạt nhân của Triều Tiên được khởi động cách đây hơn 50 năm, và liên quan tới các bãi thử và đường hầm bí mật, giới chuyên gia lưu ý, điều này tạo nên thách thức không nhỏ cho các thanh sát viên quốc tế.
Giáo sư David Kay tới từ Viện Nghiên cứu Chính sách Potomac cho rằng, sẽ cần tới 300 thanh sát viên tại Triều Tiên, tuy nhiên sẽ rất khó để tìm đủ chuyên gia với chuyên môn và kinh nghiệm cần thiết.
Theo một báo cáo do RAND công bố năm 2014, Triều Tiên có khoảng 40 tới 100 phòng thí nghiệm và cơ sở hạt nhân. Ngoài ra, nước này được cho đã xây dựng một kho vũ khí gồm 20 đến 60 đầu đạn hạt nhân trong suốt nhiều năm qua.
Trong khi đó, tồn tại hoài nghi tại Washington về việc liệu Bình Nhưỡng có thực sự từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân hay không.
Trả lời phỏng vấn kênh Fox News ngày 6/5, ông Mac Thornberry - Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ cho rằng, Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân, nhiên liệu và tên lửa trong quá trình đối thoại với Mỹ. Theo ông, xét tới lịch sử đàm phán của Bình Nhưỡng, trong đó các quan chức nước này cố gắng thao túng quan điểm của thế giới, Washington cần sẵn sàng cho kịch bản tồi tệ nhất.
Ông Thornberry nói: “Tôi nghĩ chúng ta có thể hy vọng điều tốt đẹp nhất, song cũng cần chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta cần tăng cường năng lực phòng thủ trước mọi cuộc tấn công bằng tên lửa, hiện đại hóa năng lực răn đe hạt nhân của chúng ta, tăng cường phòng thủ cho các tàu và năng lực quân sự khác trong khu vực”.