(Baonghean) - Từ huyện La Man – đô thị trung tâm của tỉnh Sê Kông (nước bạn Lào) ngược theo đường 16b khoảng 45 km, chúng tôi tìm đến bản Căn Đon - huyện Tha Teng. Mục đích của chuyến đi được xác định là tìm hiểu cuộc sống của bà con dân tộc Katu ở đây, nhưng thực sự chúng tôi đã bị bất ngờ bởi những gì được chứng kiến và khám phá từ bản văn hóa đầu tiên và duy nhất của tỉnh Sê Kông tính đến thời điểm này.Bản Căn Đon có 223 hộ với 1080 nhân khẩu, 100% bà con dân bản thuộc dân tộc Katu. Thực ra bản Căn Đon mới chuyển về định cư tại huyện Tha Teng từ năm 1996. Trước đó bản thuộc huyện Kơ Lưm, giáp ranh biên giới với huyện Nam Giang - tỉnh Quảng Nam của Việt Nam. Việc di chuyển bản về vị trí hiện nay, cách vị trí cũ trên 100 km là cả một quá trình hết sức khó khăn. Theo phản ánh của bà con dân bản cũng như qua trao đổi với ông Vi Phạt Seng Ma Ni - Bí thư Chi bộ bản Căn Đon, thì việc di chuyển cả bản về vị trí mới cũng đồng thời thay đổi cả tập quán du canh du cư, thói quen sinh hoạt, môi trường sống và lao động... Nhờ công tác dân vận, tuyên truyền, nhất là sự tham gia tích cực của cán bộ cơ sở, việc dịch chuyển đã được thực hiện thành công. Nhìn lại quá trình 16 năm chuyển về khu vực sinh sống mới, đến nay, các hộ dân đã có thể khẳng định đó là một quyết định sáng suốt của Chính quyền Sê Kông.Năm đầu tiên chuyển về nơi ở mới, các hộ dân được Nhà nước hỗ trợ 6 tháng lương thực, năm tiếp theo là 3 tháng và kể từ năm thứ 3 các hộ hoàn toàn tự túc lương thực. Theo quy hoạch, nhà ở cho các hộ dân dựa trên thiết kế theo mẫu của người Lào Lùm. Nhưng điều tuyệt vời là tinh thần cộng đồng của bà con dân bản. Khi chuyển về bản mới, Nhà nước chỉ hỗ trợ 8 ngôi nhà sinh hoạt chung cho tất cả các hộ, trong khi phần lớn nhà ở của bà con đều trong tình trạng tranh tre sập sệ. Với quyết tâm gây dựng lại cuộc sống mới, các hộ dân đã thống nhất, nếu nhà nào đã chuẩn bị được 50% kinh phí để dựng nhà thì số hộ còn lại có trách nhiệm đóng góp 50% còn lại để giúp đỡ. Cứ như vậy, mỗi năm bản lại xây dựng mới được trên 10 ngôi nhà. Đến nay toàn bản chỉ còn 8/223 hộ chưa có nhà gỗ, nhưng sẽ sớm có trong thời gian sắp tới.

Căn Đon - Bản văn hóa kiểu mẫu của tỉnh Sê Kông (Lào) ảnh 1Tiết mục văn nghệ của thiếu nhi bản Căn Đon.                      Ảnh: Trần Duy Ngoãn

Về hoạt động sản xuất và đời sống, bản Căn Đon được quy hoạch trên diện tích 800ha, bao gồm cả đất ở và đất canh tác. Từ tập quán du canh, bà con chuyển sang phương thức định canh. Nếu như trước đây khi còn ở bản cũ, mỗi năm các gia đình chỉ đủ ăn 3 tháng, đói 9 tháng thì nay, thóc gạo không những đủ ăn mà còn có để bán. Theo ông Vi Phạt Seng Ma Ni cho biết, thì với 2 vụ lúa mỗi năm, năng suất gần 4 tấn/ha, năm nào thu hoạch kém nhất thì cả bản cũng có khoảng 50 tấn gạo bán ra thị trường.  Và con số này của năm 2012 là 150 tấn. Không chỉ có vậy, những năm gần đây thu nhập của bà con đã được nâng lên đáng kể nhờ vào việc tham gia lao động trong các nông trường, công ty trồng cây công nghiệp; 72 người dân của bản làm công nhân trong nông trường cà phê, tổng thu nhập mỗi năm đạt gần 400 triệu kíp (trên 1,1 tỷ đồng VN), số công nhân làm theo thời vụ cũng thu về trên 200 triệu kíp (tương đương 540 triệu đồng VN). Nhiều hộ dân đã mua sắm được xe ô tô tải, xe công nông, máy cày.Có một điều khiến chúng tôi bất ngờ là bản Căn Đon hiện có Chi bộ Đảng với 4 tổ đảng, 51 đảng viên. Định kỳ vào ngày 22 hằng tháng, Chi bộ lại tổ chức sinh hoạt (ngày 22/3/1955 là ngày thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Lào). Chuyển về địa điểm sinh sống mới, Nhà nước đã xây dựng cho bản một ngôi trường tiểu học khang trang. Vậy là trẻ em không còn thất học nữa, 100% trẻ em đều được đến trường. Người dân trong bản không còn phá rừng, mọi người đã biết bảo vệ môi trường, nhà nào cũng có công trình vệ sinh sạch sẽ, nguồn nước giếng khoan luôn được bảo vệ nhờ ý thức cộng đồng. Nhưng điều làm bà con vui nhất chính là phong tục tập quán, các nét văn hóa sinh hoạt tinh thần của dân tộc Katu vẫn được giữ nguyên, ngoại trừ kiến trúc nhà ở theo thiết kế của người Lào Lùm. Dân bản có nhà Sa-la-cuộn truyền thống để tổ chức các hoạt động mang tính cộng đồng (theo cách gọi của dân tộc Katu ở Việt Nam là nhà Gưi), các hoạt động văn hóa như Lễ hội đâm trâu, Lễ hội mừng lúa mới hay các nếp sống, lao động vẫn không thay đổi. Khi đến bản Căn Đon, được gặp nhiều người, tìm hiểu cuộc sống bà con, các thành viên trong đoàn chúng tôi đều đặt ra câu hỏi: “Tại sao họ làm được điều diệu kỳ ấy?”. Bí thư Chi bộ Vi Phạt Seng Ma Ni cho biết rằng: “Không phải người dân Katu tự làm, quan trọng là chúng tôi đã được Nhà nước chỉ đúng hướng”.

Tuấn Đạt