(Baonghean) Theo ông Đặng Văn Toàn- Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn (Đô Lương) thì chợ Ú có từ 40 năm về trước. Vào thời điểm bấy giờ chợ còn đơn sơ, tự phát. Dần dần cùng với nhu cầu phát triển, phạm vi hoạt động của chợ ngày một lớn hơn. Chợ họp theo phiên mỗi tháng 6 lần vào các ngày 01, 06,11, 16, 21 và ngày 26. Mỗi phiên chợ thu hút không dưới 2.500 con trâu bò và 100 lượt xe với 150 lượt vận chuyển trâu bò tại chợ.Đây là chưa kể lượng trâu, bò từ Lào và Thái Lan chuyển về. Chợ còn thu hút các địa phương như Thành phố Vinh, Hưng Nguyên, các huyện miền núi phía Tây tỉnh ta như Kỳ Sơn, Quế Phong, Nghĩa Đàn… Phạm vi hoạt động chợ Ú đang ngày càng  phát triển theo nhu cầu phát triển chung của nền kinh tế.Cần đầu tư mở rộng chợ Ú (Đại Sơn) ảnh 1                                                Quang cảnh một phiên chợ ÚVới phạm vi hoạt động đang mở rộng, quy mô đầu tư chợ Ú đang được ví như chiếc áo đã trở nên “chật”. Được chứng kiến phiên chợ vào ngày 26/8 vừa qua, sau thời khắc tan, cả khuôn viên chợ rất bẩn, hẹp, xe bò kéo tay ngổn ngang. Chợ chưa có hệ thống mương thoát nước thải gây nên tù đọng hôi bẩn ngay trên mặt nền chợ (nền đất).  Đứng xung quanh khuôn viên tường bao, mùi hôi nồng nặc bốc lên không mấý thiện cảm. Chị L, một người dân bán hàng cơm phở cạnh chợ, bộc bạch: “Chúng tôi gắn bó với dịch vụ hàng ăn tại đây khá lâu, 2 năm trở lại đây chợ đông đúc hơn hẳn, đến phiên hội chợ, từ sáng tinh mơ đã có hàng ngàn con trâu, bò, được chở về đây tụ hội chen chúc, rác thải, phân tro thi nhau xả tại chỗ rất ô nhiễm môi trường.Cùng với vấn đề trên thì  tình trạng mất an toàn giao thông tại khu vực chợ Ú cũng đang trở nên phức tạp. Do khu vực chợ hẹp, hàng ngàn lượt người và trâu, bò, xe ô tô không thể chen lấn vào trong chợ nên phải đậu bám phía ngoài hành lang các trục và tuyến giao thông nông thôn xung quanh khu vực chợ để tiện lợi cho trao đổi mua bán. Điều này làm cản trở giao thông qua lại của người dân nói chung. Cũng theo ông Đặng Văn Toàn thì trâu, bò tập trung về trong mỗi phiên chợ được thông qua nhiều nguồn, nhiều “kênh”, không thể kiểm soát hết. Trong khi đó, mỗi phiên chợ thường diễn ra 2- 3 tiếng đồng hồ nên kiểm soát dịch bệnh  cho gia súc là một  vấn đề rất quan trọng. Riêng lực lượng trạm kiểm soát dịch tại đây hiện có 15 cán bộ thú y, cơ sở vật chất tạm bợ, nhà làm việc thuê nhà dân, cơ sở vật chất thiết bị phục vụ cho công tác kiểm dịch chưa đảm bảo. Từ thực tế này, lâu nay công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn chợ Ú mới chỉ dừng lại ở việc kiểm soát các chốt chính.  Tìm hiểu về thực trạng trên, được biết chợ Ú hiện có tổng diện tích khuôn viên trên 5400m2 , do UBND xã Đại Sơn quản lý. Năm 2005, chợ  đã được hỗ trợ nâng cấp  giai đoạn 1 với nguồn vốn đầu tư 400 triệu đồng dành cho các hạng mục tường bao xung quanh, đất cơi nới mặt bằng. Về công tác kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ cũng đã đầu tư cho chợ gần 15 tỷ đồng để nâng cấp, xây dựng khu cách ly, kiểm soát chặt chẽ lai lịch, xuất xứ  trâu bò cũng như công tác kiểm dịch an toàn trước khi được chu chuyển đi các huyện trong tỉnh và cả nước cũng như sang các tỉnh bạn. Để duy trì hoạt động và quản lý có hiệu quả, xã Đại Sơn đã thành lập BQL thị trường, đội ANTT. Tuy nhiên, theo như đánh giá thì trước nhu cầu giao thương mới, quy mô đầu tư tại chợ Ú đang dần trở nên không phù hợp và không xứng với tầm vóc phát triển của chợ vùng, điều này gây nên khó khăn trong công tác quản lý và duy trì hoạt động chợ hiện nay.Xuất phát từ những khó khăn trên, đầu năm 2012 này, UBND xã Đại Sơn đã có văn bản gửi trình UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư nguồn vốn để mở rộng, nâng cấp chợ Ú, đáp ứng nhu cầu rộng lớn về giao thương, góp phần giải quyết việc làm cho bà con nhân dân.

Lương Mai