Cần đảm bảo quyền lợi người dân bị thu hồi đất

(Baonghean) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá XIII cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 và tiếp tục thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5. Trong dự thảo sửa đổi lần này, vấn đề được nhiều người quan tâm góp ý nhất việc Nhà nước giao đất, thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin đề cập một số ý kiến xây dựng dự thảo luật về các vấn đề được nhiều người quan tâm:
- Về điều kiện chủ đầu tư được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (Khoản 4, Điều 53), cần bổ sung điều kiện yêu cầu chủ đầu tư được giao đất, cho thuê đất phải có sự đảm bảo về quyền lợi của người bị thu hồi đất nếu dự án không được thực hiện. Vì trên thực tế hiện nay, một số nhà đầu tư sau khi được giao đất, thuê đất để làm dự án nhưng sau đó không triển khai được dự án dẫn đến tình trạng đất bị bỏ hoang trong một thời gian dài, người bị thu hồi đất không được sản xuất trên diện tích đất đó, nhà đầu tư chưa thanh toán tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Khi nhà đầu tư xin đình chỉ việc thực hiện dự án, người bị thu hồi đất đề nghị nhà đầu tư bồi thường thiệt hại thu nhập trên đất trong thời gian không được sản xuất nhưng luật chưa quy định về nội dung này.
- Về thực hiện việc cưỡng chế (Điều 72 và Điều 73), luật cần quy định rõ thành phần "tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế và "Ban thực hiện cưỡng chế" để trong quá trình thực hiện phân định rõ được trách nhiệm của các cấp, các ngành. Cưỡng chế trong việc thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhạy cảm, dễ vi phạm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân nên cần phải có những quy định hết sức cụ thể, rõ ràng. Đề nghị bổ sung Khoản 5, Điều 72 và Khoản 6, Điều 73 do Chính phủ quy định cụ thể điều này:
- Về các điều kiện để cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất (Khoản 2, Điều 73), cần bổ sung điều kiện "Khi tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng đã tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất”. Vì trên thực tế, nhiều dự án trong quá trình lập dự án chưa tính toán được kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng (thường chỉ khái toán) hoặc do khó khăn về nguồn vốn nên chưa bố trí được kinh phí cho công tác này dẫn đến một số dự án chưa thanh toán hoặc thanh toán không đủ cho người bị thu hồi đất.
Trong trường hợp này, cần phải quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người bị thu hồi đất.
- Về thời gian thực hiện trông giữ, bảo quản tài sản của người phải thi hành quyết định cưỡng chế (Điểm c, Khoản 4, Điều 73), quy định thời hạn 6 tháng đối với tài sản không phải là vật nuôi là quá dài, vì nhiều tài sản đã qua sử dụng nếu không sử dụng trong thời hạn sẽ bị hư hỏng, lúc đó sẽ làm phát sinh khiếu kiện. Đề nghị nên quy định thời hạn 3 tháng. Mặt khác, cần bổ sung tài sản là lương thực, thực phẩm quy định chung với tài sản là vật nuôi và thời hạn trông giữ, bảo quản là 5 ngày.
Việc trông giữ, bảo quản tài sản của người phải thi hành quyết định cưỡng chế rất dễ làm phát sinh khiếu kiện, do đó cần giao Chính phủ quy định rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao thực hiện nhiệm vụ này.
- Về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, theo quy định của Luật Đất đai, Nhà nước giao đất theo hai trường hợp: giao đất không thu tiền sử dụng đất và giao đất có thu tiền sử dụng đất. Do đó, trong quá trình thực hiện bồi thường về đất cũng nên quy định theo hai hướng: đối với những trường hợp giao đất có thu tiền thì được bồi thường về đất, đối với những trường hợp giao đất không thu tiền thì chỉ nên xem xét hỗ trợ chi phí đầu tư trên đất qua từng năm (khác với các loại hỗ trợ khác).
Mức hỗ trợ này có thể ngang bằng hoặc thấp hơn không nhiều so với giá trị bồi thường trên diện tích đất cùng loại. Quy định cụ thể theo hai hướng như trên sẽ đảm bảo được tính công bằng và sự phân định rạch ròi giữa người được giao đất có thu tiền và người được giao đất không thu tiền sử dụng đất, đồng thời phù hợp với quy định về giao dịch dân sự. Bên cạnh đó cũng có tác động không nhỏ cho công tác giải phóng mặt bằng (vì tâm lý chung trong bồi thường giải phóng mặt bằng thường so sánh giá đất khi bị thu hồi, nay luật quy định hỗ trợ có thể cời bỏ được tâm lý đó của người dân).
- Về Khoản 4, Điều 86 cần quy định rõ "tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bao gồm cả bồi thường về đất, tài sản và vật kiến trúc trên đất hay chỉ riêng về đất? Nếu quy định chung chung như trên thì trong quá trình thực hiện dễ xảy ra các trường hợp "lách luật”.
- Về bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất (Khoản 1, Điều 89), đối với nhà ở nên bổ sung quy định bồi thường bằng giá trị xây mới trong trường hợp phải tháo dỡ một phần để đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất. Vì thực tế, ngôi nhà khi được xây dựng là theo một tổng thể kiến trúc, do đó, khi bị tháo dỡ một phần sẽ làm phá vỡ kiến trúc tổng thể khó có thể sửa chữa được. Phần còn lại mặc dù có thể vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định nhưng về mặt thẩm mỹ chắc chắn sẽ không đủ điều kiện; Khoản 3, Điều 89, cần quy định rõ công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được xây dựng từ nguồn vốn nào, nếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thì không nên đặt ra vấn đề bồi thường.
- Về định kỳ xây dựng bảng giá đất (Khoản 1, Điều 114), nên quy định riêng đối với đất nông nghiệp là 5 năm, đất phi nông nghiệp là 3 năm. Bởi vì giá đất phi nông nghiệp trên thị trường thường có nhiều biến động, do đó, nếu quy định thời hạn 5 năm là quá dài, giá đất quy định không theo kịp giá thị trường và sự phát triển chung về kinh tế - xã hội, sẽ làm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước về đất đai (ví dụ: Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, phát sinh khiếu kiện về đất đai, ảnh hưởng nguồn thu từ tiền sử dụng đất...).
Trần Minh (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐNĐ tỉnh)

Tin mới