(Baonghean.vn) - Sáng 23/12, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục họp phiên thường kỳ tháng 12/2016 để nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng.
Cùng dự có các đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên uỷ ban, lãnh đạo các sở ngành.
» Quyết liệt thu ngân sách phấn đấu đạt 10.800 tỷ đồng năm 2016
» Nghệ An: Kiện toàn sắp xếp 57 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng
Mở đầu buổi làm việc, Sở KH&ĐT báo cáo tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế gắn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu đầu tư của tỉnh giai đoạn 2014-2016, nhiệm vụ giải pháp đến năm 2020.
Thực hiện quyết định 339 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3278 ban hành chương trình hành động thực hiện đề án của Chính phủ. Sau 3 năm thực hiện, trên địa bàn Nghệ An đã đạt những kết quả quan trọng.
Giai đoạn 2014-2016, thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu đầu tư, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ ngày càng được hoàn thiện, chính sách thu hút, huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư được chú trọng. Kết quả cho thấy, đã chống đầu tư dàn trải, quản lý chặt chẽ ban hành chủ trương đầu tư công.
Ngoài tái cơ cấu đầu tư công, đề án tái cơ cấu kinh tế gắn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu đầu tư của tỉnh giai đoạn 2014-2016 tập trung thực hiện cơ cấu lại hệ thống ngân hàng (gồm hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn và Ngân hàng TMCP Bắc Á), tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại nội ngành các ngành kinh tế theo hướng tăng nhanh giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm; và tiếp tục tái cơ cấu vùng kinh tế hợp lý, tăng cường liên kết giữa các vùng.
Phát biểu về nội dung này, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, đối với ngành giáo dục có 3 nhiệm vụ cần tập trung đó là đầu tư hệ thống trường nội trú, bán trú, trường chuyên Phan Bội Châu và một số trường trọng điểm; Nâng cao nguồn nhân lực và xây dựng lại mạng lưới trường nghề, tiếp tục tham mưu cơ chế chính sách trong việc cơ cấu lại trường nghề, hỗ trợ con em hộ nghèo theo học nghề.
Đồng tình với quan điểm phải nâng cao nguồn nhân lực, Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành phát biểu cho rằng đối với lĩnh vực kinh tế, cốt lõi của tái cơ cấu là tăng năng suất, nâng hiệu quả sản xuất, điều đó liên quan đến đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
"Ngoài ra, trong tái cơ cấu đầu tư công, cần quan tâm cơ cấu dịch vụ sự nghiệp công, cơ cấu nguồn lực tài chính “kích mồi” của nhà nước phù hợp hơn, quan tâm nhiều hơn đến cơ chế chính sách. Ví như về nông nghiệp chính sách đang tập trung “đầu vào” nhiều hơn “đầu ra”, trong khi đó theo nông nghiệp phải theo chuỗi. Theo tôi, cần tác động khâu đầu ra, thị trường; tác động về KHCN"- Giám đốc Sở KH&CN chia sẻ.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của Sở KH&ĐT, cơ bản thống nhất thông qua báo cáo tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế gắn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu đầu tư của tỉnh giai đoạn 2014-2016, nhiệm vụ giải pháp đến năm 2020.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định đây là đề án quan trọng, do đó, cần chú trọng những nhiệm vụ liên quan đến việc thực hiện 3 đột phá chiến lược (gồm: cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phát triển nguồn nhân lực); quan tâm mảng y tế, giáo dục.
Ngoài ra, để tái cơ cấu đầu tư hiệu quả, đến năm 2020 đạt 25.000-30.000 tỷ đồng thu ngân sách, cân đối được thu- chi, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh cần có giải pháp đột phá, có cơ chế chính sách kêu gọi thu hút đầu tư hiệu quả. Quan tâm môi trường, đảm bảo an ninh trật tự…
Cũng trong sáng nay, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến về tình hình thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn năm 2016 và Dự thảo quyết định ban hành giá sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi trên địa bàn Nghệ An (Sở NN&PTNT báo cáo).
Thu Huyền