Các chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý đều nhất trí cho rằng, cần phải có chính sách để cải thiện vấn đề thu nhập cho giáo viên.

Chính sách tiền lương là một vấn đề được tập trung bàn thảo nhiều trong tọa đàm "Đổi mới giáo dục - Nhìn từ góc độ người thầy" do báo Đại biểu nhân dân tổ chức vào sáng ngày 11/11.

Lấy câu chuyện lương hưu 1,3 triệu đồng/ tháng của cô giáo mầm non Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh, câu chuyện sinh viên tốt nghiệp đại học mới đi dạy thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng/ tháng, PGS. TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội - kết luận rằng “điều đó có nghĩa là chính sách của chúng ta đang có vấn đề". Vì vậy, ông cho rằng điều phải thay đổi đầu tiên là về chính sách về tiền lương.

“Hiện nay chính sách tiền lương của chúng ta đang còn nhiều điểm bất cập. Thứ nhất là tiền lương còn đang rất thấp. Để cho giáo viên yên tâm giảng dạy, lương không cần phải quá cao nhưng cũng phải đủ để họ nuôi sống bản thân và gia đình mình. Và như vậy, người ta sẽ không nghĩ đến những chuyện khác nữa. 

Thứ hai là tiền lương vẫn chưa khuyến khích được những giáo viên trẻ có năng lực, có tiếp cận xã hội. Mặc dù khi là sinh viên được nhà trường đánh giá cao, nhưng vì mới vào nghề nên mức lương của họ rất thấp. Họ không có điều kiện vươn lên ở vị trí xứng đáng với sự cống hiến”.

images2057433_bna_5a08e0cf6f6cc.jpgCác đại biểu tham dự hội thảo.

GS. TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng cần phải có đột biến về việc cải thiện đời sống vật chất cho giáo viên. Ông đưa đề xuất, trong bối cảnh còn nghèo về nguồn tài chính, thay vì đầu tư rất nhiều về cơ sở vật chất thì chúng ta cắt giảm và dành phần nguồn lực tài chính để đầu tư, ưu tiên chế độ đãi ngộ cho giáo viên trước.

Bên cạnh đó, theo GS. Báo, cần phải quy hoạch lại về quản lý đội ngũ giáo viên. Đây là nhân lực đặc thù, phải được quản lý và quy hoạch đặc thù. “Chúng ta phải có kế hoạch bảo đảm chủ động về nguồn nhân lực giáo viên có chất lượng, không bị dư thừa. Nếu làm tốt những điều này sẽ thu hút được nhân tài tham gia vào ngành giáo dục”.

GS. Báo cũng lưu ý cần phải chọn được những người giỏi nhất làm giáo viên. “Ở các nước phát triển, họ chọn 10-15% những người giỏi nhất để làm giáo viên” - ông nói.

Về vấn đề thu nhập của giáo viên, TS. Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý, Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đã rất kiên trì, nhưng ngành giáo dục có những cái không tự quyết được, như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng phát biểu tại nhiều cuộc họp, diễn đàn, trong đó có Kỳ họp Quốc hội rằng “hai vấn đề là tiền và người thì ngành giáo dục lại không tự quyết, chỉ tham gia đề xuất và một phần rất nhỏ điều tiết cấp vi mô.

Nhưng chất lượng thì lại chịu trách nhiệm trước xã hội”. Đây cũng là những cái khó chung và đặc biệt là khó của người quản lý.

Ông Minh cũng cho biết gần đây, Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng cũng đang rốt ráo việc tổng kết đánh giá. Bộ GD-ĐT cũng đã có những đề xuất để đẩy mạnh về chính sách cải cách tiền lương và thu nhập cho đội ngũ nhà giáo. 

"Trong quá trình sửa Luật Giáo dục, ngành giáo dục cũng đang gấp rút cùng với các Bộ, ngành thực hiện, trong đó có đề xuất đưa chính sách cải cách tiền lương vào Dự thảo. Tới đây, nếu có điều kiện để xây dựng được Luật Nhà giáo thì những việc này sẽ được mạch lạc hơn, bài bản hơn" - ông Minh nói.

Về phía Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực cho biết, trong năm nay Ủy ban cũng đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách nhà giáo.

“Trong báo cáo giám sát về chế độ, chính sách đối với các nhà giáo, vấn đề chúng tôi muốn đặt ra ở đây là đã đến lúc phải làm cuộc rà soát một cách tổng thể tất cả những văn bản chính sách hiện đang có, những gì lạc hậu thì bỏ và phải thay thế, những gì chưa có phải xây mới, làm sao để đặt ra những quy định về cơ chế, chính sách đúng nghĩa đặc thù cho nghề giáo”.

Bà Mai Hoa cho biết, Ủy ban đã đề xuất trong năm 2018, trước mắt sẽ sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học. Hiện nay, Ủy ban đang phối hợp với Bộ GD-ĐT lựa chọn những vấn đề cấp thiết nhất để sửa đổi lần này, trong đó có vấn đề về chính sách nhà giáo.

“Chúng tôi muốn trong năm 2019, hoặc muộn thì tới năm 2020, phải đưa Luật Nhà giáo vào trong chương trình xây dựng luật. Phải có luật riêng cho nhà giáo để tất cả những quy định về tính chất đặc thù của nghề giáo, những yêu cầu về chính sách đối với nghề giáo phải được đặt ra và giải quyết”.

Theo VNN

TIN LIÊN QUAN