(Baonghean) - Theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ thì nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được cơ cấu như sau: Vốn ngân sách Nhà nước (Trung ương và địa phương) khoảng 30%; vốn tín dụng (bao gồm tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng thương mại) khoảng 30%; vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác khoảng 20%; huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%. Trong vốn ngân sách Nhà nước chỉ có 17% vốn trực tiếp của chương trình xây dựng NTM còn lại 23% là vốn của các chương trình mục tiêu Quốc gia đã có từ trước, nay được lồng ghép vào chương trình xây dựng NTM. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác rất hạn chế. Vốn tín dụng chỉ là vốn vay nên nhiều địa phương không có điều kiện tiếp cận nguồn vốn này. Huy động đóng góp của cộng đồng dân cư chủ yếu là quỹ đất, ngày công lao động, đóng góp bằng tiền không nhiều. Nguồn vốn thực hiện chương trìng xây dựng NTM chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. Nhưng hiện nay, Chính phủ chưa quy định cụ thể cơ chế lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu Quốc gia trong chương trình xây dựng NTM nên việc tập trung vốn ngân sách Nhà nước cho xây dựng NTM đang gặp khó khăn. Có 11 chương trình mục tiêu Quốc gia và 7 nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách Nhà nước đang được thực hiện trên địa bàn nông thôn, đều là nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM. Các nguồn vốn này được đầu tư qua các bộ, ngành Trung ương, từ đó phân bổ về cho các sở, ngành địa phương quản lý theo hệ thống ngành dọc (trừ phần vốn đối ứng của địa phương). Cơ chế phân phối vốn theo ngành dọc làm nảy sinh những khó khăn cho Ban chỉ đạo xây dựng NTM trong việc điều phối chương trình trên từng địa bàn.Là vốn đầu tư theo ngành dọc nên ngành nào cũng muốn sử dụng nguồn vốn đó có lợi cho ngành mình, khó điều hòa chung trong nguồn vốn xây dựng NTM. Bởi vậy, tính đồng bộ trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM khó đảm bảo.  Mức độ đầu tư vốn cho các chương trình mục tiêu Quốc gia không đồng đều, có chương trình được đầu tư nhiều, có chương trình đầu tư ít, từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch điều phối vốn hàng năm của Ban chỉ đạo xây dựng NTM.Đối với nguồn vốn đầu tư cho các công trình xây dựng như: kiên cố hóa trường học, kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng trụ sở xã… thì dễ lồng ghép vì gắn với từng công trình cụ thể. Đối với các nguồn vốn không gắn với các công trình như: xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tội phạm, phòng chống các bệnh xã hội, hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, thích ứng biến đổi khí hậu …thì việc lồng ghép điều phối chung trong nguồn vốn xây dựng NTM khó đảm bảo tính đồng bộ, mặt khác hiệu quả sử dụng nguồn vốn này sẽ không cao nếu không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.Để tháo gỡ những vướng mắc trên đây, UBND tỉnh cần quy định cụ thể cơ chế lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu Quốc gia trong tổng thể nguồn vốn chung của chương trình xây dựng NTM. Cơ chế lồng ghép nhằm đảm bảo thực hiện đồng bộ các tiêu chí xây dựng NTM, trong đó có việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia. Có cơ chế lồng ghép này thì Ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp mới có công cụ điều phối chương trình.  Nếu tách rời các chương trình mục tiêu Quốc gia với chương trình xây dựng NTM thì hiệu quả sử dụng vốn sẽ không cao, không đồng bộ, nguồn lực bị phân tán.

TRẦN HỒNG CƠ