Theo báo cáo của huyện Nghi Lộc, từ đầu năm 2016 đến ngày 30/6/2018, trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện 50 công trình, dự án với tổng diện tích đất thu hồi là 254,92 ha.
Về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6/2018, huyện tổ chức tiếp 73 lượt công dân với 9 vụ việc, trong đó có 2 vụ khiếu nại; 7 kiến nghị phản ánh liên quan đến dự án mở rộng Quốc lộ 1A.
Tổng số vụ việc đơn thư đã tiếp nhận 135 trường hợp liên quan đến 105 vụ việc; 5 vụ việc khiếu nại; 1 vụ việc tố cáo và 99 kiến nghị phản ánh.
Đến nay, 5 vụ việc khiếu nại được UBND huyện giải quyết và có kết luận: khiếu nại sai. Những công dân không đồng tình với kết quả giải quyết và tiếp tục khiếu nại lên cấp trên, UBND tỉnh đã xử lý 3/5 vụ việc và thống nhất giữ nguyên quyết định giải quyết của huyện. Còn 2 vụ việc đang trong quá trình giải quyết của UBND tỉnh.
1 vụ việc tố cáo sai đã được UBND huyện ban hành kết luận và UBND tỉnh cũng thống nhất với xử lý ban đầu của UBND huyện. Ngoài ra, đối với các nội dung đơn thư phức tạp kéo dài, UBND huyện giao cho các phòng, ban chuyên môn trực tiếp giải quyết xử lý.
Liên quan đến kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) về công tác GPMB của huyện Nghi Lộc, Phó Ban Tiếp công dân tỉnh Thái Minh Tuấn đánh giá cao Nghi Lộc là đơn vị làm tốt công tác giải quyết đơn thư KNTC. “Một số trường hợp chưa giải quyết thuyết phục, đề nghị huyện cần tập trung làm tốt kết quả có tính thuyết phục cao hơn. Trong quá trình giải quyết cần phát hiện chính sách còn mâu thuẫn, vướng mắc trong quy định pháp luật đề xuất thỏa đáng” - ông Tuấn nói.
Ông Lê Anh Sơn - Phó Chánh Thanh tra tỉnh đề nghị huyện cần làm tốt hơn công tác phân loại đơn thư. Quan tâm đôn đốc chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn tiếp công dân ở cấp xã.
Giải trình những nội dung đoàn giám sát quan tâm, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nghi Lộc là địa phương “dự án chồng dự án”, khối lượng công việc liên quan đến công tác GPMB lớn, Nghi Lộc gặp rất nhiều khó khăn. Huyện tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc cho công tác GPMB.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn, hạn chế trong công tác giải quyết đơn thư KNTC về giải phóng mặt bằng là việc hồ sơ quản lý đất đai chưa tốt. Nghi Lộc có số tồn đọng khoảng 10.000 thửa đất ở không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện đang giải quyết cấp 7.000 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp sau khi chuyển đổi chưa có kinh phí để đo đạc cấp đổi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc phản ánh bất cập của thực trạng khi triển khai dự án nhà đầu tư chưa thực hiện chưa đúng như cam kết khi đi vào hoạt động. “Tỉnh cần có chính sách quan tâm hậu GPMB, thu hồi đất đó là giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là ưu tiên gia đình bị thu hồi đất, vấn đề về ô nhiễm môi trường, an sinh xã hội cho những địa phương liên quan đến thu hồi đất phục vụ các dự án” - ông Hải kiến nghị.
Liên quan đến nội dung này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đinh Thị Tâm phản ánh nội dung đơn thư của người dân phản ánh nhiều về quy hoạch treo, bất cập, không thống nhất trong chính sách bồi thường GPMB.
"Nghi Lộc là địa phương có diện tích, số dân ảnh hưởng thu hồi đất để triển khai dự án rất lớn. Vấn đề huyện quan tâm nhất là ổn định đời sống cho người dân sau thu hồi đất. Bởi một số doanh nghiệp không nhận lao động trên 30 tuổi. Lo nhất là sau 5-10 năm tới, khi người dân sử dụng hết tiền bồi thường GPMB, việc làm không có, nguy cơ dẫn đến tệ nạn xã hội" - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy trăn trở.
Kết luận tại cuộc làm việc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền đánh giá cao kết quả huyện Nghi Lộc đạt được trong công tác giải phóng mặt bằng.