(Baonghean) - Thứ 2 ngày 4/5, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IEA) vừa công bố bản báo cáo về đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng.

Theo Maria Van Der Hoeven - Giám đốc điều hành của IEA thì việc đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng sẽ là chìa khóa cho cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu. Bản báo cáo cho biết, vẫn còn tồn tại những tiềm năng quan trọng chưa được khai thác hết để thúc đẩy việc đổi mới trong công nghệ năng lượng. Đồng thời, lên án việc thiếu đầu tư công cho việc nghiên cứu và phát triển có lợi đối với “năng lượng sạch” hay nói cách khác là “các nhiên liệu cacbon thấp”.

Hệ thống pin năng lượng mặt trời ở Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo tính toán, để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình của Trái Đất ở dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 thì tỷ lệ tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế toàn cầu cần giảm bớt “gần 60% cho đến năm 2050”. Không chỉ thế, việc sử dụng các nhiên liệu cacbon (than, dầu và khí đốt) cần phải được giới hạn mạnh. Đặc biệt là trong hệ thống sưởi và làm mát cho các tòa nhà và các khu công nghiệp. Các nhà nghiên cứu ước tính gần 40% mức năng lượng tiêu thụ trên thế giới được sử dụng cho các hệ thống trên. Tiếp đó là 27% mức năng lượng tiêu thụ dành cho giao thông.

Hiện nay, các hệ thống trên thế giới sử dụng lên đến 70% lượng nhiên liệu hóa thạch và thải ra môi trường 30% lượng khí CO2. Do đó báo cáo khuyến nghị nên giảm tỷ trọng các loại nhiên liệu hóa thạch xuống dưới 50% vào năm 2050 cũng như tăng việc sử dụng năng lượng tái tạo lên 40%.

Báo cáo ước tính, để đáp ứng được nhu cầu của tất cả các ngành vào năm 2050, năng lượng tái tạo cần tăng gấp 4 lần so với hiện nay. Và công việc này cần được sự thúc đẩy mạnh ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil thì mới có thể “tạo ra những tiến bộ vượt bậc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”. Đồng thời, các nước giàu cũng cần phải “hỗ trợ cho các hành động được cam kết ở các quốc gia phát triển”.

Tuy nhiên, báo cáo cũng đưa ra cảnh báo về việc “đầu tư hiện nay cho nghiên cứu và phát triển không cho phép đạt được những mục tiêu dài hạn về khí hậu”. Nếu số tiền chi tiêu công dành cho lĩnh vực năng lượng sạch là khoảng 17 tỷ USD mỗi năm vào cuối những năm 1990 thì số tiền này giảm 11% so với đầu những năm 1980 và chỉ tăng 3% - 4% kể từ năm 2000.

Theo IEA, các nỗ lực cần phải tăng lên “ít nhất gấp 3 lần”. IEA còn cho biết, các chính phủ không thể một mình đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sạch để đảm bảo mục tiêu giữ mức tăng trung bình của Trái Đất ở dưới 2 độ C nên cần có sự huy động vốn từ tư nhân. Cuối cùng, bản báo cáo kêu gọi các nhà lãnh đạo các nước nên “quan tâm đến những lợi ích mang lại từ việc chuyển đổi hệ thống năng lượng cho xã hội”.

Chu Thanh 

(Theo Le Monde 4/5)