(Baonghean.vn) - Mùa mưa bão đã đến gần, công tác chỉ đạo ứng phó bão lụt đang được các cấp chính quyền và các ban ngành chức năng tích cực triển khai, trong đó là sự chủ động về mặt phương tiện.

Còn nhớ, trận lũ lịch sử diễn ra vào tháng 10/2010, khi nước lũ đang đạt đỉnh, chúng tôi có mặt tại một số xã vùng hữu ngạn vùng hạ lưu sông Lam như Nam Kim, Nam Cát, Nam Trung, Nam Phúc, Nam Cường (huyện Nam Đàn) và xã Hưng Lam, Hưng Nhân (Hưng Nguyên). Có lẽ hàng năm phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt nên bà con vùng ngoài đê sông Lam luôn có ý thức “sống chung với lũ”. Bởi vì, hầu hết các hộ dân nơi đây đều kê cất đồ đạc quan trọng và sơ tán người khi nước dâng cao. Cùng với đó, mỗi hộ còn sắm một chiếc thuyền nhỏ (làm bằng gỗ hoặc tôn) để tiện lưu thông trong những ngày ngập lũ. Vì thế, công tác sơ tán, cứu hộ và nhận lương thực, thực phẩm, nước sạch cứu trợ luôn ở trong thế chủ động. Trong khi đó, ở các xã vùng “rốn lũ” của huyện Nghi Lộc (Nghi Thuận, Nghi Mỹ, Nghi Xá...) hàng hóa cứu trợ được tập kết với khối lượng khá lớn nhưng thiếu phương tiện vận chuyển, dù xuồng cao tốc và ca nô của các lực lượng chức năng đã hoạt động hết công suất. Chúng tôi lên chiếc xuồng cao tốc chở đầy mỳ tôm và nước sạch của lực lượng cứu trợ về xã Nghi Mỹ. Đòan cứu trợ đã gặp phải khó khăn đáng kể là làng xóm ở đây được ken dày bởi các lũy tre và các loại cây lớn, cùng với đó là tường rào nên xuồng lớn rất khó tiếp cận, dễ bị mắc kẹt hoặc gãy bánh lái. Người dân lại không có thuyền nhỏ để ra nhận hàng cứu trợ, nước lại ngập sâu nên càng không thể bơi hoặc lội tận nơi. Một số người dân đã dùng cây chuối hoặc củi khô kết thành bè để chèo ra nhận hàng cứu trợ. Nước ngập trên diện rộng, lại chảy xiết nên loại bè này thật sự không đảm bảo an toàn. Do thiếu sự chủ động trong việc ứng phó với lũ lụt nên tài sản của người dân nơi đây bị thiệt hại khá nặng nề.  Với địa bàn các huyện miền núi, vùng cao, nguy cơ xẩy ra lũ quét, lũ ống trong mùa mưa bão là rất lớn. Vì thế, các cấp chính quyền và bà con nhân phải luôn đề cao cảnh giác và chủ động di dời người và tài sản để hạn chế mức độ thiệt hại. Cuối tháng 6/2011, khi nước sông Nậm Mộ bắt đầu dâng cao, người dân các huyện Kỳ Sơn và Tương Dương vẫn tỏ ra chủ quan và cho rằng ở thời điểm đó không thể xẩy ra lũ quét. Đến lúc nước đột ngột dâng cao và chảy xiết làm ngập các tuyến đường, cuốn trôi hết nhà cửa thì bà con mới hốt hoảng “bỏ của chạy lấy người”. Và hậu quả của trận lũ quét này để lại rất nặng nề, đặc biệt là ở Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) nhiều gia đình bị cuốn trôi hết toàn bộ đồ đạc, tài sản, trở thành “tay trắng”.  Thời tiết đang có những diễn biến bất thường theo xu hướng cực đoan do biến đổi khí hậu. Do đó, công tác chuẩn bị và ứng phó với nguy cơ bão lụt cần được quan tâm thường xuyên.

Công Kiên