(Baonghean) - Đối thoại với cử tri là công việc cần thiết, quan trọng của đại biểu dân cử trong quá trình tiếp xúc cử tri. Thực tế cho thấy, đa số các vấn đề được chất vấn, được nêu ra tại các kỳ họp HĐND thường do các đại biểu thu thập được từ đối thoại với cử tri. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, có rất nhiều hình thức đối thoại để đại biểu dân cử thực hiện. Ngoài những hình thức đối thoại truyền thống như: Tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, tiếp dân định kỳ… sự đối thoại của đại biểu với cử tri có thể diễn ra bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri theo nhóm đối tượng, tiếp xúc cử tri nơi công tác, sinh sống… hoặc gián tiếp nhận và xử lý đơn thư, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua điều tra dư luận xã hội, internet, web, email,...

Tuy các hình thức đối thoại hết sức phong phú, đa dạng nhưng trên thực tế, các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử vẫn còn thụ động. Khi nói tới việc đối thoại với cử tri, các đại biểu thường chỉ nghĩ đến 4 kỳ tiếp xúc cử tri trong 1 năm và 1 vài lần tham gia tiếp dân trong một tháng tại phòng tiếp dân của huyện, tỉnh theo luật định. Chính vì lẽ đó, nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống khiến người dân và cử tri bức xúc cần được quan tâm, ưu tiên giải quyết không được phản ánh đến đại biểu và HĐND kịp thời. Bên cạnh đó, sự tham gia của cử tri cũng hạn chế, bởi thành phần tham gia tiếp xúc thường là những “đại cử tri”. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, kỳ vọng của nhân dân.

Để thực hiện tốt chức năng của mình và nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, các đại biểu HĐND cần chủ động, tích cực hơn trong việc đối thoại với cử tri. Ngoài việc đối thoại nắm bắt thông tin thông qua các kiến nghị, báo cáo của cử tri tại các kỳ tiếp xúc, đại biểu dân cử cần chủ động gặp gỡ trao đổi, đối thoại với cử tri qua các cuộc tiếp xúc với các cá nhân, thăm hỏi tại nhà các nhóm người dân để tìm hiểu các vấn đề liên quan, hay trao đổi thông tin gián tiếp qua các phương tiện như điện thoại, internet... Đặc biệt, với những vấn đề nhạy cảm như: Muốn biết chính quyền có để xảy ra những sai sót trong điều hành, trong ứng xử với người dân hay không, việc nắm bắt thông tin những cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ là chưa đủ. Nhưng đại biểu HĐND lại có được câu trả lời có phần đầy đủ hơn từ những cuộc đối thoại với chị bán hàng ở góc chợ, một ông lái đò dọc tại một bến sông, hay một cán bộ hưu trí…

Sự chủ động đối thoại với cử tri, có thể giúp đại biểu cảm nhận được sâu sắc những vấn đề người dân quan tâm để từ đó đưa kiến nghị cần thiết tại các kỳ họp của HĐND. Cần thay đổi ý nghĩ hoạt động giữ mối liên hệ cử tri là hoạt động tập thể. Cá nhân đại biểu cần chủ động, đối thoại tích cực với cử tri, chứ không nên trông chờ vào tập thể, và ngược lại, tập thể cơ quan dân cử cần tạo điều kiện cá nhân đại biểu phat huy tính chủ động. Đó sẽ là cách làm để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Diệp Anh (Huyện ủy Anh Sơn)