Tính đến ngày 9/7, Nghệ An đã có 130 ca dương tính với Covid-19 ở 10 địa phương trong đó thành phố Vinh có nhiều ca nhiễm nhất với 88 bệnh nhân. Sau mỗi lần công bố ca bệnh mới, nơi ở, làm việc của các bệnh nhân đều bị phong tỏa để phục vụ lấy mẫu, điều tra truy vết, người dân "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Trong thời gian bị phong tỏa, ngoài lực lượng y tế, các chiến sĩ làm nhiệm vụ thì vẫn còn một lực lượng phải vào khu vực phong tỏa hàng ngày, đó là những công nhân vệ sinh môi trường. Họ đối mặt với nguy cơ nhiễm dịch vì ở trong vùng nguy hiểm và phải thực hiện công việc trong điều kiện khắt khe hơn ngày thường.
Chị Nguyễn Vân Anh, công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An không khỏi bỡ ngỡ khi ngày đầu được phân công thu gom rác trong khu vực bị phong tỏa tại phường Hưng Dũng, TP. Vinh.
Chị chia sẻ: "Mình làm nghề nhiều năm rồi, tuy nhiên đây là lần đầu tiên phải mang đồ bảo hộ để làm việc trong khu vực phong tỏa. Những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C, mang thêm bộ đồ này nữa đã khiến mình mất sức nhiều, năng suất lao động bị sụt giảm, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, các đồng nghiệp thì mình phải chấp nhận...".
Được biết, theo chỉ đạo của công ty, tổ thu gom rác tại khu vực nào nếu có ca nhiễm Covid-19 thì vẫn phải vào nơi phong tỏa của khu vực đó để dọn rác trong ngày, bởi rác ứ đọng sẽ là điều kiện cho vi rút lây lan. Do đó, các thành viên trong tổ đã phân công nhau để vào khu phong tỏa thực hiện nhiệm vụ hàng ngày. Việc thu gom rác trong khu vực phong tỏa mất nhiều công đoạn, nhân lực hơn so với những khu vực khác. Ảnh: Q.A
Chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân vệ sinh môi trường cho biết: "Vào nơi phong tỏa thì ai cũng ngại, tuy nhiên vì công việc phải chấp nhận. Trước khi vào, các công nhân sẽ phải mang đồ bảo hộ, phun khử khuẩn toàn thân và đi từng ngõ ngách để thu gom rác. Do đặc thù người dân không ra ngoài, nên lượng rác sinh hoạt có phần nhiều hơn, có thời điểm thu gom đến 2 giờ sáng mới về đến nhà...".
Theo lãnh đạo Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An thì việc thu gom rác tại khu vực phong tỏa có nhiều điểm đặc thù hơn so với các khu vực thường. Công ty phải tăng thêm phương tiện thu gom và nhân lực vì phát sinh những công đoạn mới. Đơn cử như trước đây chỉ cần 1 người 1 xe thu gom trên các tuyến đường thì nay phải có xe chuyên dụng riêng, người thu gom phải tăng lên đồng thời có thêm người làm nhiệm vụ phun khử khuẩn đi cùng.
Ngoài ra, công đoạn xử lý rác cũng phức tạp hơn. Khi đưa rác về khu liên hợp, lượng rác tại khu phong tỏa phải xử lý, đào hố chôn riêng, tất cả đồ bảo hộ của công nhân đi làm cũng phải chôn cùng, trước khi chôn phải phun khử khuẩn và phủ vôi bột lên để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nhiều công nhân vệ sinh môi trường đã phải ở lại TP. Vinh làm việc trong mùa dịch, không được về nhà. Ảnh: Đức Anh
Được biết, trong thời gian TP. Vinh thực hiện Chỉ thị 16, khoảng 200 công nhân vệ sinh môi trường phải ở lại TP. Vinh làm việc, không được về nhà. Sau khi hết Chỉ thị 16, những người thu gom rác tại khu vực phong tỏa vẫn phải tiếp tục ở lại Vinh để đảm bảo an toàn cho cộng đồng vì đã ở trong vùng nguy hiểm.
Thấu hiểu được những vất vả, cống hiến thầm lặng của lực lượng công nhân vệ sinh môi trường trong mùa dịch, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An cùng các mạnh thường quân đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho công nhân như hỗ trợ chi phí thuê chỗ nghỉ tại các nhà nghỉ, nhà trọ cho công nhân, cung cấp lương thực, thực phẩm, kinh phí... để họ có thêm động lực thực hiện tốt nhiệm vụ trong mùa dịch, đảm bảo phố phường sạch đẹp, góp phần phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19.