Bảo tàng Nghệ An đang lưu giữ và trưng bày hàng chục nghìn hiện vật có giá trị lịch sử - văn hóa, trong đó có một gian trưng bày các hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm), tương ứng với thời đại Hùng Vương. Những hiện vật này chủ yếu được khai quật tại di chỉ khảo cổ học Làng Vạc (thị xã Thái Hòa) và một số di chỉ khác trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Công Kiên Trong hệ thống hiện vật về nền văn hóa Đông Sơn, nổi bật nhất là bộ sưu tập trống đồng. Bộ sưu tập hiện có 41 chiếc trống đồng, trong đó trống đồng Làng Vạc có 14 chiếc. Ảnh: Công Kiên Bộ sưu tập trống đồng là niềm tự hào của vùng quê Nghệ An, bởi đây là một trong những địa phương có bộ sưu tập trống đồng cổ khá phong phú, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Việt cổ sinh sống trên vùng đất này từ hàng ngàn năm trước. Ảnh: Công Kiên Sau bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn là bộ sưu tập công cụ sản xuất chất liệu đồng văn hóa Đông Sơn gồm có 261 hiện vật, đa dạng về kiểu dáng, kích thước, chất liệu. Trong đó phần lớn hiện vật được phát hiện tại Làng Vạc. Đây là những di vật vô cùng quan trọng, là minh chứng xác thực cho đời sống lao động sản xuất của cha ông ta hàng ngàn năm trước, giúp chúng ta mường tượng rõ hơn cuộc sống của cư dân Việt cổ thời đại Vua Hùng trên đất Nghệ An. Ảnh: Công Kiên Bộ sưu tập vũ khí đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn gồm 198 hiện vật, với các loại hình như: dao găm, giáo, lao, kiếm, mũi tên, lẫy nỏ. Bộ sưu tập vũ khí cho thấy vũ khí thời Đông Sơn rất đa dạng, độc đáo về loại hình và công năng sử dụng. Ảnh: Công Kiên Tiếp đến là bộ sưu tập đồ trang sức văn hóa Đông Sơn gồm 495 hiện vật với nhiều chất liệu như: đồng, thủy tinh, đá và đất nung. Hiện vật chủ yếu thu được qua các đợt thám sát, khai quật tại Làng Vạc và ở Đồng Trương (Anh Sơn). Qua đó thể hiện được trình độ thẩm mỹ cũng như nhu cầu thẩm mỹ của người Việt cổ trên đất Nghệ An. Ảnh: Công Kiên Bên cạnh các bộ sưu tập đã được xây dựng, hiện nay bảo tàng Nghệ An còn lưu giữ nhiều hiện vật chất liệu gốm như: bình, bát, dọi xe chỉ, chân chạc; đồ dùng sinh hoạt chất liệu đồng như: thố, thạp, bát, gương, chuông... có thể xây dựng thành nhiều sưu tập hiện vật phục vụ cho công tác nghiên cứu và trưng bày phát huy giá trị. Ảnh: Công Kiên Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày những hiện vật thuộc văn hóa Tiền Đông Sơn (cách ngày nay 4.000 - 2.500 năm), chủ yếu là các loại công cụ bằng đá. Ảnh: Công Kiên Gian trưng bày hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Nghệ An là nguồn sử liệu vô cùng quý giá, giúp chúng ta nghiên cứu về lịch sử hình thành, phát triển của mảnh đất, con người xứ Nghệ, là niềm tự hào về dòng giống Lạc Hồng. Ảnh: Công Kiên